Cty CP lọc hóa dầu Bình Sơn: Tiết kiệm hàng triệu USD nhờ sáng kiến khoa học
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 10:39, 16/10/2019
Tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD) nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam luôn áp dụng các giải pháp khoa học mới để tiết kiệm chi phí tốt nhất. Gần đây nhất, các kỹ sư của BSR đã áp dụng “Giải pháp nâng cao hiệu suất thu hồi propylene bằng biện pháp giảm độ tinh khiết dòng propylene”.
Kỹ sư Nguyễn Thành Bông – một trong những tác giả của đề tài này cho biết, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm hạt nhựa Polypropylene (PP) rất lớn và lợi nhuận mang lại của Phân xưởng PP của NMLD Dung Quất rất cao. Tuy nhiên, Phân xưởng PP chỉ vận hành ở mức 100 - 105% công suất thiết kế do thiếu hụt nguồn nguyên liệu propylene.
Trong khi khả năng vận hành tối đa của Phân xưởng PP lên đến 110% công suất. Như vậy, vấn đề bổ sung nguyên liệu propylene cho Phân xưởng PP là rất cần thiết để nhằm tăng hiệu quả kinh tế và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong năm 2017 và 2018, BSR đã lên kế hoạch nhập nguồn propylene từ bên ngoài nhằm đáp ứng đủ nguyên liệu cho Phân xưởng PP chạy ở công suất 110%. Ngoài ra, nhu cầu thị trường đang cần xăng A95 nhiều và giá trị lợi nhuận mang lại của xăng A95 rất cao, giải pháp nào để NMLD Dung Quất sản xuất tối đa sản phẩm xăng A95 là bài toán cần được các kỹ sư của Công ty tính đến.
“Xác định được nhu cầu của thị trường, các kỹ sư của BSR đã nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, tìm ra phương án để đáp ứng cả hai nhu cầu trên, đó là sử dụng phụ gia xúc tác ZSM-5 tại Phân xưởng cracking xúc tác (RFCC) để tăng hiệu suất thu hồi khí propylene của Phân xưởng thu hồi khí propylene (PRU) nhằm nâng cao sản lượng propylene và nâng chỉ số RON để tối đa sản xuất xăng A95”, Kỹ sư Nguyễn Thành Bông cho biết.
Theo đánh giá, kết quả áp dụng giải pháp trên vào thực tế sản xuất cho thấy giải pháp mang lại những lợi ích thiết thực. Sáng kiến này giúp nâng cao hiệu suất thu hồi propylene tại PRU, tăng công suất chế biến của phân xưởng PP từ 107% lên 110% mà không tốn chi phí mua thêm propylene từ bên ngoài, đem lại lợi nhuận cao.
Đây cũng là giải pháp kỹ thuật đơn giản, không cải hoán, không tốn kém chi phí và thời gian đầu tư. Giải pháp còn giúp giảm lưu lượng LPG thành phẩm từ phân xưởng PRU, góp phần giải quyết tình trạng quá tải thủy lực đường ống chuyển LPG ra bể chứa sản phẩm của Nhà máy.
Về mặt xã hội, giải pháp giúp làm giảm hàm lượng olefins trong sản phẩm LPG của Phân xưởng PRU, qua đó giúp nâng cao giá trị LPG của Nhà máy và góp phần bảo vệ môi trường. Theo báo cáo đánh giá về hiệu quả kinh tế khi áp dụng giải pháp này, lợi nhuận khi giảm độ tinh khiết sản phẩm propylene từ 99,5%wt xuống 99,4%wt là gần 7 nghìn USD/ngày, tương đương gần 2,5 triệu USD/năm. Kỹ sư Nguyễn Thành Bông cho biết thêm.
Kỹ sư Nguyễn Sơn Lâm - Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển (BSR) cho biết, việc áp dụng thành công giải pháp sử dụng phụ gia ZSM-5 vào chế biến một lần nữa khẳng định các kỹ sư của Việt Nam đã làm chủ công nghệ lọc hóa dầu, vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định.
Ngoài ra, từ tháng 3/2018, Ban Quản lý Chất lượng (BSR) đã áp dụng thành công “Giải pháp phân tích hàm lượng Asen (As) trong các dòng mẫu tại NMLD Dung Quất nhằm chủ động phòng ngừa, kiểm soát ảnh hưởng của Asen tại phân xưởng công nghệ” vào thực tiễn sản xuất.
Theo Kỹ sư Võ Tấn Phương, giải pháp góp phần mang lại sự chủ động trong việc kiểm soát hàm lượng Asen trong các dòng mẫu từ nguyên liệu dầu thô, đến các sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối propylene. Qua đó, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm propylene cung cấp cho Phân xưởng Polypropylene để sản xuất ra sản phẩm hạt nhựa Polypropylene đảm bảo chất lượng, được khách hàng tin dùng.
“Trước khi áp dụng giải pháp này, Công ty phải gửi mẫu thuê đơn vị bên ngoài kiểm tra, phân tích hàm lượng Asen, rất bị động và tốn kém chi phí. Việc áp dụng thành công giải pháp này, hằng năm đã tiết giảm được chi phí khoảng 1 tỷ đồng”, Kỹ sư Võ Tấn Phương cho biết.
Cơ hội phát triển nhờ thuế nhập khẩu dầu thô về 0%
Bên cạnh việc áp dụng sáng kiến kỹ thuật trong sản phẩm, một trong những cơ hội cho BSR phát triển là việc Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 28/2019/QĐ-TTg quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, mặt hàng dầu mỏ thô (mã hàng 2709.00.10) mức thuế suất nhập khẩu thông thường sẽ giảm từ 5% xuống còn 0% (hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2019).
Với quyết định này của Chính phủ sẽ là cơ hội cho NMLD trong nước tiếp cận nguồn dầu thô nhập khẩu với giá cạnh tranh, trong đó có Dung Quất. NMLD Dung Quất hiện vẫn chế biến khoảng 85% dầu thô trong nước và 15% dầu thô nhập khẩu. Tuy nhiên nguồn dầu thô trong nước đang có xu hướng giảm, vì vậy nhu cầu nhập khẩu thời gian tới sẽ tăng lên.
Theo ông Bùi Minh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, đây là tín hiệu rất khả quan cho Công ty tiếp cận nguồn dầu thô Azeri, loại dầu có trữ lượng lớn ở Azerbaijan, có chất lượng tương đương dầu Bạch Hổ và có thể chế biến với tỷ lệ phối trộn cao. Việc giảm thuế nhập khẩu dầu thô về 0% sẽ giúp BSR mở rộng cơ hội nhập khẩu dầu thô. Qua đó có thể nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR, tăng nộp ngân sách Nhà nước và tăng lợi nhuận tối đa cho Công ty.
Từ năm 2020, BSR sẽ tự chủ trong hoạt động mua dầu thô, đứng tên trong hợp đồng ký trực tiếp với nhà cung cấp. Được chủ động trong ra quyết định, thời điểm nhập hàng… đây là yếu tố giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thuận lợi trên thị trường để tối đa hóa lợi nhuận, Tổng Giám đốc Bùi Minh Tiến cho biết thêm.
Mới đây, tại Hội nghị APPEC - Diễn đàn quốc tế về lĩnh vực dầu khí, SOCAR Trading SA - Công ty thành viên của Công ty Dầu Quốc gia Azerbaijan sẵn sàng cam kết cung cấp dài hạn dầu thô chiến lược Azeri cho NMLD Dung Quất. Được biết, năm 2018, SOCAR Trading SA khai thác 441 triệu thùng dầu, trong đó có khoảng 200 triệu thùng dầu Azeri.