Hà Nội thông tin về vụ nước sạch có “mùi lạ”

Trong nước - Ngày đăng : 17:25, 15/10/2019

(TN&MT) -Trong lúc hàng chục nghìn hộ dân tại các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân của TP. Hà Nội những ngày qua sống vô cùng bất an với sự cố nước có “mùi lạ” thì Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) - đơn vị hằng ngày cung cấp khoảng 320.000m3 nước sạch/ngày đêm lại giữ thái độ “im lặng” đến đáng sợ.

Điều này được làm sáng tỏ trong thông báo chính thức của UBND TP. Hà Nội tại giao ban báo chí Thành ủy chiều 15/10.

Anh 1
Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng thông tin với báo chí chiều 15/10

Biết vẫn làm ngơ

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, 9 giờ sáng, ngày 10/10/2019, UBND TP. Hà Nội nhận được tin báo phản ảnh của một số người dân tại quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông phản ảnh qua đường dây nóng, tin phản ảnh của một số cơ quan báo ch có nội dung nguồn nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… có mùi khét nồng nặc, có váng dầu. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã thành lập ngay một tổ công tác tiến hành kiểm tra toàn bộ quá trình vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà: Tại Hòa Bình các bể chứa nước trung gian, trạm bơm tăng áp, hệ thống đường ống truyền dẫn cấp nước của Nhà máy nước sông Đà, bao gồm cả khu vực hồ chứa nước mặt.

Tổ công tác đã lấy mẫu nước để xét nghiệm tại nhà máy (trước nguồn) sau khi xử lý các bể chứa trung gian, bể tăng áp tại huyện Thạch Thất, quận Nam Từ Liêm và tại bể chứa nước cấp nước của Công ty tại khu vực quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, tại một số bể chứa của một số tòa nhà chung cư, vòi nước hộ gia đình.

Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông và lãnh đạo Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà báo cáo giải trình gửi đoàn công tác.

Theo ông Dục, qua kiểm tra, bước đầu xác định, tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy). Một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện việc này từ sáng ngày 8/10/2019, nhưng đã không báo cáo với cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình và Hà Nội. Đồng thời, cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, chảy vào hệ thống phân phối nước đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Anh 2
TP. Hà Nội khuyến cáo mọi người dân không uống nước sông Đà

Tổ công tác đã kiểm tra việc vận hành lọc nước của Nhà máy vào các ngày 11, 12, 13, 14/10/2019. Toàn bộ hệ thống của nhà máy nước vẫn hoạt động bình thường.

Styren vượt ngưỡng 1,3 đến 3,65 lần

Ông Lê Văn Dục cho hay, cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Trung tâm theo QCVN 01:2009/BYT đã xác định: Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 - 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian). Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt.

Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi “khét” có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra. Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l- Nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN).

Khuyến cáo không uống nước sông Đà

Từ các kết quả ban đầu qua kiểm tra, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, trước mắt, khi Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà chưa súc xả, thau được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp, mọi người dân có sử dụng nước thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống.

Ông Dục cho biết: “UBND TP. Hà Nội bố trí các xe téc của Công ty Nước sạch Hà Nội túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu. Khi cần đề nghị nhân dân trong vùng ảnh hưởng điện đến số 0903461980, ông Trần Quốc Hùng - TGĐ Công ty Nước sạch Hà Nội, để được cung cấp theo yêu cầu”.

Hiện, UBND TP. Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh tổ chức điều tra làm rõ hành vi đổ trộm chất dầu thải tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, cũng như hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải đã không có hành vi ngăn chặn kịp thời dẫn đến sự cố nhiễm toàn bộ hệ thống cung cấp nước cung cấp cho người dân tại quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Styren trong nước máy có gây hại cho sức khỏe?

Styren là hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C6H5CH=CH2. Đây là chất lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị hơi ngọt, tuy vậy, khi đậm đặc thì có mùi khó chịu. 

Đây là chất được dùng để sản xuất polystyren và nhiều polyme khác (cụ thể là các sản phẩm như hộp xốp đựng thức ăn, cao su, chất dẻo, chất cách điện, sợi thủy tinh,…)

Chất này trong hộp xốp từng được cho là góp phần làm phát triển ung thư, giảm thị lực, thính giác và gây tổn thương hệ thần kinh. Các nghiên cứu trên cả người và động vật cho thấy phơi nhiễm styren gây tổn thương các tế bào bạch cầu làm tăng nguy cơ bị bệnh bạch cầu hoặc u lympho, ung thư thực quản và ung thư tuyến tụy.

Các chuyên gia từng khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng các đồ vật làm từ styren như hộp xốp, đĩa đựng thức ăn, ly uống cà phê, cốc nước một lần. Tránh đựng đồ nóng trong những thức này, đặc biệt thức ăn dầu mỡ, vì dưới tác dụng của nhiệt ấm những hộp đựng này sẽ giải phóng ra chất styren gây ung thư tiềm ẩn cho cơ thể.

 

Phương Anh