Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất cho vùng ĐBSCL
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 14:13, 15/10/2019
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ TN&MT cho biết, ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam. Để sản xuất nông nghiệp với 2-3 vụ lúa trong năm, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản quanh năm, cộng với nước phục vụ gần 18 triệu người, các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ,… nhu cầu sử dụng nước ngọt trong năm tương đối lớn, dao động từ 700 đến 2.000m3/s, điều này khiến cho bài toán cân bằng cung cầu trở thành vấn đề quan trọng hơn trong quản lý nguồn nước.
Đặc biệt là các khu vực ven biển thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, tình hình khai thác nước dưới đất với quy mô lớn ngày càng diễn biến phức tạp làm giảm mực nước ngầm, gây ô nhiễm và nhiễm mặn nguồn nước. Tuy nhiên, theo ông Châu Trần Vĩnh, hiện nay, thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất đang rất phân tán, không đồng bộ, không thống nhất để có khả năng kết nối, liên thông, tích hợp, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Đồng thời, công tác công bố, công khai còn chưa được chú trọng. Việc cung cấp, chia sẻ, khai thác thông tin, số liệu còn khó khăn, nhất là yêu cầu tổng hợp, tích hợp.
Vì vậy, việc tích hợp đầy đủ, cập nhật liên tục theo thời gian thực và kết quả phân tích, dự báo thông tin, dữ liệu tài nguyên nước dưới đất khách quan, khoa học phục vụ chiến lược quy hoạch, hoạch định chính sách và hỗ trợ ra quyết định đóng vai trò là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, trong thời gian qua ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng đối diện với nhiều khó khăn thử thách liên quan đến sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, giông lốc, nước biển dâng đã làm mất đi nhiều tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Địa kỹ thuật Na uy cho thấy, trong 15 năm do khai thác nước ngầm quá mức đang làm cho hiện tượng sụt lún đất diễn ra nhanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nơi từ 30 đến 70cm và dự báo trong một vài thập niên tới sụt lún đất có nơi ở Cà Mau lên đến 90cm.
Trên cơ sở báo cáo tham luận tại Hội thảo của Cục Quản lý Tài nguyên nước, Cục Công nghệ Thông tin và Cơ sở Dữ liệu Tài nguyên nước và Môi trường, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, các đại biểu đã tập trung thảo luận những thách thức về cơ sở dữ liệu tài nguyên dưới đất vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng; các cơ hội để tích hợp, hài hòa giữa hệ thống hiện hành cũng như khả năng tương tác giữa cơ quan quản lý, cơ quan hoạch định chính sách với cơ quan chuyên môn và người dân trong việc điều tra, thu thập và cập nhật dữ liệu; những đề xuất cách tích hợp cơ sở dữ liệu hiện hành tại các đơn vị vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về Tài nguyên và Môi trường.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Dương Thị Ngọc Tuyền, Trưởng Phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Cà Mau) cho biết, trong thời gian qua, việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất đã giúp tỉnh Cà Mau quản lý đầy đủ các thông tin về công trình khai thác nước dưới đất được cấp phép, kiểm soát thời gian cấp phép cũng như lưu lượng, chất lượng nước dưới đất theo thời gian.
Để phát huy những kết quả đã đạt được cũng như khắc phục hạn chế trong việc vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Cà Mau, bà Dương Thị Ngọc Tuyền đề xuất, trong thời gian tới, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý các điểm khai thác nước dưới đất quy mô từ 10m3/ngày đêm trở xuống. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu các điểm khai thác nước dưới đất dựa trên cơ sở dữ liệu đất đai và xây dựng phần mềm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên nước dưới đất của tỉnh Cà Mau với các đơn vị có liên quan.