Quảng Nam: Sạt lở tiếp tục “tấn công” Cửa Đại

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:29, 15/10/2019

(TN&MT) -  Biển Cửa Đại (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng do sóng lớn, khiến hàng chục hecta rừng dương bị cuốn trôi, xói lở.
Sóng biển đánh mạnh vào bờ kéo đất trôi ra biển để lại những hàm ếch
Sóng biển đánh mạnh vào bờ kéo đất trôi ra biển để lại những hàm ếch

Rừng dương ven biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam được trồng ở khu ở khu đất có tên gọi Cồn Doi, nằm ngay cửa biển Cửa Đại - nơi hạ nguồn sông Thu Bồn đổ ra biển lớn. Khu vực rừng phòng hộ này được mệnh danh là “lá chắn thép” ngăn chặn sức công phá của sóng biển. Thế nhưng, những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn, hàng chục hecta rừng dương bị đặt trong tình trạng báo động khi sóng lớn liên tục công phá, gây xói lở trầm trọng.

Theo quan sát, khoảng hơn 100m chiều dài khu vực rừng dương ở Cồn Doi bị sạt lở, chiều cao điểm sạt lở từ 1,5 - 3m, nhiều cây dương liễu nằm dưới biển. Sóng biển đánh mạnh vào bờ kéo đất trôi ra biển để lại những hàm ếch sâu hoắm, cao gần 3m, rộng chừng 5 m, chỉ cần vài trận mưa lớn là sạt lở hoàn toàn.

Rừng dương có nguy cơ bị xóa sổ nếu không có biện pháp gia cố, kè đỡ
Rừng dương có nguy cơ bị xóa sổ nếu không có biện pháp gia cố, kè đỡ

Ông Mai Văn Trúc (72 tuổi) - lão ngư hơn 40 năm sống ở Cồn Doi và mưu sinh nhờ đánh bắt cá ở mực nước gần bờ Cửa Đại, cho hay, tình trạng sạt lở rừng dương xuất hiện tầm 3 năm trở lại đây. Từng khối đất dần dần bị những con sóng nuốt chửng, hàng trăm cây dương cũng không thể bám trụ được.

“Trước đây, rừng dương kéo dài ra xa khu vực mép nước sát bờ hiện tại. Ước chừng sóng biển "ngoạm" khoảng 50 mét khiến diện tích rừng thông bị thu hẹp dần. Tôi và bà con địa phương thực sự rất lo lắng. Bởi lẽ, cứ cái đà xói lở này, chẳng mấy chốc toàn bộ rừng dương sẽ bị nhấn chìm xuống lòng nước biển”, ông Trúc nói.

Cũng theo ông Trúc, tình hình sạt lở ở rừng dương đang ngày một diễn tiến mạnh. Số lượng cây dương bị bứng gốc sau mỗi đợt sóng biển lớn ngày càng nhiều hơn. Những cây dương ngã rạp, nằm la liệt ven bờ biển Cửa Đại. Và với không ít cây dương lộ thiên cả bộ rễ như thế này, việc bị sóng “nuốt chửng" chỉ còn là vấn đề thời gian nếu chính quyền không có giải pháp đầu tư xây dựng kè hoặc kè, gia cố để giữ đất.

Hàng chục cây dương liễu bị cuốn trôi xuống biển
Hàng chục cây dương liễu bị cuốn trôi xuống biển

Những năm gần đây, bờ biển Cửa Đại càng ngày bị sóng biển khoét càng sâu, mỗi năm Hội An mất hàng chục mét chiều sâu bờ biển. 10 triệu USD đã được đổ xuống để làm các hệ thống kè cứng, đê ngầm, bổ sung cát hạn chế xâm thực bờ biển nhưng hiện nay tình hình vẫn không được cải thiện.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An xác nhận, rừng dương đang nằm trong diện sạt lở được trồng từ cách đây 10 năm.

“Rừng dương này là khu rừng phòng hộ. Hiện tại, thành phố cũng đang chờ dự án đầu tư chống sạt lở của tỉnh để sớm chấm dứt tình trạng rừng dương bị sóng biển tàn phá như thời gian qua”, ông Hùng thông tin thêm.

Nhiều điểm sạt lở tại bờ biển Cửa Đại vẫn trông chờ vào dự án tổng thể chống sạt lở bờ biển của UBND tỉnh
Nhiều điểm sạt lở tại bờ biển Cửa Đại vẫn trông chờ vào dự án tổng thể chống sạt lở bờ biển của UBND tỉnh

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn đã ký quyết định số 2180 để chi hơn 54 tỷ đồng đầu tư xây dựng kè biển Cửa Đại. Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư xây dựng công trình kè khẩn cấp chống xâm thực bờ biển Cửa Đại, đoạn từ khách sạn Victoria về hướng Tây Bắc - Hội An. Dự án này sẽ giảm khối lượng đắp cát hạng mục tái tạo bãi; giảm một số mục chi phí do không thực hiện, bổ sung xây dựng tuyến kè biển từ khách sạn Victoria về hướng Tây Bắc dài 300m với tổng mức đầu tư hơn 54 tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh Quảng Nam đã đề xuất Chính phủ gói khẩn cấp trị giá 700 tỉ đồng để thi công các hạng mục nhằm ngăn chặn hiện tượng xâm thực gồm xây dựng đê ngầm, nuôi bãi, kè bờ, nạo vét luồng...  cứu biển Cửa Đại. Phạm vi đề xuất dự án kéo dài 2,5km tại đoạn xảy ra sạt lở nghiêm trọng nhất.

Và trong thời gian chờ các cơ quan chức năng “giải cứu”, rừng thông che chắn ven bờ Cửa Đại này vẫn đang bị sóng biển uy hiếp từng ngày, từng giờ.

Lan Anh