Các tôn giáo tìm cách bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu
Trong nước - Ngày đăng : 13:08, 15/10/2019
Điều hành phiên bế mạc có sự tham gia của ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Grethe Lochen - Giám đốc Tổ chức Bắc Âu (NCA) khu vực Châu Á và Trung Đông, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cùng sự có mặt của các đại biểu chức sắc đại diện các tổ chức tôn giáo trong cả nước và đại diện lãnh đạo nhiều Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Hiệu quả cao từ các tham luận
Báo cáo phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, Mục sư Trần Thanh Truyện - Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm cho biết, đã có 70 đại biểu tham dự với 15 ý kiến phát biểu tại hội trường, 7 bài tham luận được trình bày.
“Các đại biểu đã tìm ra các vấn đề, mô hình, hoạt động, điểm hay học được, áp dụng được, nhân rộng được như vận động các tín đồ tôn giáo phân loại rác đầu nguồn, thực hiện ngày thứ 7 xanh, không đốt rơm rạ, không dùng than tổ ong, hạn chế đốt vàng mã, sử dụng vật dụng thân thiện môi trường, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Lồng ghép bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó biến đổi khí hậu (UPBĐKH) với các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị thông minh. Lồng ghép BVMT và UPBĐKH vào quy ước thôn, làng bản, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín. Các gia đình không hút thuốc lá, không bia rượu...”- Mục sư Truyện chia sẻ.
Cũng theo Mục sư Truyện, một số đề xuất tại phiên thảo luận đã được các đại biểu đưa ra như đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường tạo nguồn kinh phí cho các tôn giáo thực hiện truyền thông về BVMT, làm mô hình điểm BVMT. Thực thi pháp luật về hành vi vi phạm ảnh hưởng đến môi trường sống. Có chính sách thay thế túi ni lông đồ nhựa. Nên có cơ chế từ trên xuống dưới về hạn chế sản xuất đồ nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng đồ nhựa, có cách phân loại từ gia đình, phân loại rác, xử lý, tái chế rác. Có chính sách thu hút các công ty trong và ngoài nước tham gia xử lý rác và BVMT. Tổ chức các cuộc thi sáng tạo vật dụng BVMT. Tăng cường giáo dục BVMT trong trường học...
Ở phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Tôn giáo với công tác ứng phó biến đổi khí hậu”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Phó Ban quản trị Minh Lý Đạo - Tam Tông Miếu báo cáo, có 150 đại biểu tham dự và 6 ý kiến phát biểu, với 6 tham luận. Các vấn đề, mô hình hay được áp dụng như mô hình “Ngày chủ nhật xanh” của Thừa Thiên Huế. Mô hình “Câu lạc bộ xanh” của Chùa Pháp Vân (Hà Nội). Mô hình nhà tránh trú bão và trữ nước sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Sóc Trăng. Mô hình khuyến khích giáo dân phân loại và xử lý rác thải của Phật giáo Hòa Hảo.
Các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất ở phiên thảo luận này như đề nghị Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tài nguyên Môi trường và các tổ chức tôn giáo duy trì thường xuyên, liên tục các hoạt động trao đổi giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo để cùng BVMT, UPBĐKH. Đề nghị Tổng cục Môi trường và Cục BĐKH nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể phát động phong trào sáng kiến “Thanh niên với tôn giáo và phong trào ngày chủ nhật xanh” trong phạm vi toàn quốc, có sáng tạo theo từng địa phương. Đề nghị các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ tiếp tục hỗ trợ hoạt đông BVMT, UPBĐKH của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện cam kết của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH...
Báo cáo phiên thảo luận thứ ba với chủ đề “Đáp ứng bền vững và hiệu quả của tôn giáo Việt Nam trong ứng phó với BĐKH và BVMT”, ông Hoàng Văn Tùng - Trưởng Ban đại diện tôn giáo Mặc Môn cho biết, đã có 5 tham luận được trình bày với những bài học về quản lý thiên tai, BVMT.
“Các đại biểu đã chia sẻ các giải pháp BVMT như tác hại của túi ni lông, vệ sinh cơ sở pháp môn, tạo cảnh quan môi trường. Chia sẻ kinh nghiệm về tính bền vững và tính hiệu quả của các tổ chức tôn giáo khi tham gia BVMT và UPBĐKH như mô hình sản phẩm thay thế túi ni lông và mô hình khu phố xanh... Chia sẻ các hoạt động BVMT của đạo Tin lành như trồng rừng, lấp trống trong du canh du cư, giúp đồng bào làm các bồn chứa nước để lọc bớt nước vôi cải thiện vệ sinh, từ đó nâng cao ý thức BVMT của các tín đồ...”- ông Tùng cho hay.
Cũng tại phiên bế mạc này, các đại biểu trong và ngoài nước đã đề xuất, kiến nghị những mô hình hay, giải pháp hiệu quả trong BVMT và UPBĐKH trên cả nước. Thảo luận về các định hướng, kế hoạch và cam kết của các tôn giáo trong việc tiếp tục thúc đẩy thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và UPBĐKH trong 5 năm tới (giai đoạn 2020-2025). Tổng kết, thống nhất các nội dung thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2020-2025; ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình tổ chức hội nghị.
Vai trò của tôn giáo trong BVMT, UPBĐKH là rất quan trọng
Đóng góp ý kiến tại phiên bế mạc, ông Nguyễn Hưng Thịnh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, các ý kiến của nhiều đại biểu tôn giáo hết sức quý báu để Tổng cục nắm bắt, báo cáo lại cho Bộ Tài nguyên Môi trường rà soát, tìm phương hướng phù hợp để duy trì và nhân rộng...
Theo ông Thịnh, cơ quan quản lý nhà nước về BVMT như Tổng cục Môi trường đề cao vai trò của các tổ chức xã hội, Mặt trân Tổ quốc Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên, trong đó sự tham gia của tôn giáo trong BVMT-UPBĐKH là rất quan trọng. Các tổ chức tôn giáo được quyền cung cấp thông tin, được quyền tham vấn cộng đồng đến các dự án, phản biện với cơ quan quản lý, với chính sách của nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế để tiếp nhận và phản hồi...
Phát biểu kết thúc phiên bế mạc, ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hội nghị đã thành công về mọi mặt từ chuẩn bị cẩn thận và chi tiết, trang trí một cách sáng tạo liên quan đến chủ đề hội nghị, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, khen thưởng phù hợp, hay các phiên tham luận thảo luận đều chu đáo, các ý kiến của các đại biểu cực kỳ tâm huyết và chi tiết từ địa phương đến quốc gia, thậm chí vượt tầm quốc gia...
“Tất cả các nội dung thảo luận đã phản ánh rõ hơn những nội dung sơ kết 4 năm trước đó, có giá trị rất tốt không chỉ hiện tại mà còn lâu dài. Qua hội nghị đã nêu lên nhiều giải pháp, các mô hình điểm phù hợp của các tổ chức tôn giáo và cần được nhân rộng, lan tỏa. Chúng tôi sẽ tiếp thu các giải pháp và tổng hợp, báo cáo lên Bộ Chính trị cùng các cơ quan nhà nước. Mong rằng tương lai gần 100% các tổ chức, các tín đồ tôn giáo đều tham gia chương trình phối hợp BVMT và UPBĐKH, đây là đối tượng đóng vai trò quan trọng, góp phần lan tỏa công tác BVMT, UPBĐKH trên toàn quốc. Mong rằng các tổ chức tôn giáo sẽ góp phần phát triển đất nước Việt Nam xanh, bền vững trong tương lai gần...”- ông Thực nói.