Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai: Nhà phao vượt lũ

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:54, 15/10/2019

(TN&MT) - Người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã tự bỏ kinh phí để làm những ngôi nhà phao (nhà chống lũ), giải quyết nỗi lo mỗi khi lũ về.

Xã Tân Hóa có 7 thôn với 3.430 nhân khẩu, đất sản xuất nông nghiệp diện tích chỉ hơn 42 ha, đất trồng hoa màu có diện tích hơn 400 ha, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhà phao được bà con ở đây cất dựng khá kiên cố, bên dưới nhà được làm khung gỗ và kết dây gắn hàng chục thùng phi rỗng. Sàn nhà, cột kèo được làm bằng gỗ, mái và các phía lợp bằng tôn, mỗi ngôi nhà phao có diện tích trung bình 20m2, diện tích có thể đủ chứa người nhà và một số tài sản. Để ngôi nhà không trôi theo nước chảy, người dân định vị bằng các vòng lỏng ôn vào cột chôn các góc nhà. Nước lũ dâng cao tới đâu, ngôi nhà cũng nổi lên theo và ngược lại nước xuống, nhà cũng xuống theo mực nước.

8
Nhà phao chống lũ của người dân Tân Hóa

Mới đây, do ảnh hưởng của bão số 4 và áp tháp nhiệt đới, tại tỉnh Quảng Bình có mưa lớn kéo dài làm nhiều nơi bị ngập lụt, chia cắt. Trong đó, xã Tân Hoá bị ngập 650 hộ/670 hộ gây ra thiệt lớn cho tài sản của người dân. Còn trước đó, vào năm 2010 mực nước lũ kỷ lục được đo lên đến 12 mét.

Ông Cao Văn Đương (67 tuổi), thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa, chia sẻ: “Gia đình tôi dù nhà còn gặp nhiều khó khăn nhưng cũng phải liều vay mượn để xây nhà phao. Nhà phao này gia đình tôi làm chi phí hết 30 triệu đồng, đã được 4 năm nay.  Gia đình tôi thấy an toàn, vững tâm hơn.”.

Còn anh Nguyễn Chiến Thắng cho biết: “Gia đình tôi mới đầu tư làm nhà phao từ năm ngoái, cũng may là mình làm sớm nên trận lũ vừa rồi không có thiệt hại nhiều. Để làm được nhà phao, gia đình bỏ ra gần 50 triệu đồng để xây dựng được. Có nhà phao, mình yên tâm sinh sống”.
 

1 (1)


Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết: “Xã Tân Hóa là địa phương vùng núi thấp trũng, xung quanh bao là núi nên từ trước đến nay cứ mưa lũ lớn là gần nha cả xã bị ngập trong biển nước. Bây giờ, cách duy nhất và hiệu quả là xây dựng nhà phao chống lũ. Nhiều năm nay, người dân đã tự bỏ tiền làm nhà phao, cũng có nhiều đơn vị hỗ trợ người dân làm, tuy vậy, đến nay, chỉ mới 442 hộ làm được nhà phao. Những nhà còn lại còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thể làm được nhà phao. Nhà chống lũ có giá trung bình khoảng 30 triệu đồng, nếu làm diện tích lớn, giá sẽ cao hơn. Có nhà phao bà con có thể vận chuyển tài sản có giá trị lên và sinh hoạt trên đó mỗi khi lũ lụt xảy ra. Mong rằng tới đây, các ban ngành, nhà tài trợ sẽ hỗ trợ giúp người dân làm nhà phao tránh lũ, mọi gia đình trong đại phương đều có nhà phao chống lũ an toàn”.

Với “rốn lũ” Tân Hóa, nhà chống lũ được xem là phao cứu sinh, người dân có thể an tâm sinh sống, chủ động ứng phó khi có lũ về. Nhưng vẫn còn đó, hàng trăm hộ dân khó khăn chưa thể làm nhà phao họ vẫn thấp thỏm khi có mưa lũ.

Bài và ảnh: Hồng Thiệu