Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai: Cảnh báo sớm để xã hội phát triển hơn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:52, 15/10/2019

(TN&MT) - Chính phủ Việt Nam xác định quan điểm “xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai” theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Hồng Thái (ảnh), Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn.  

PV: Thưa ông, yêu cầu về một xã hội an toàn hơn trước thiên tai ngày càng cao, điều này đặt ra những thách thức ra sao với công tác dự báo và cảnh báo thiên tai?

IMG 20190323 091606
PGS.TS Trần Hồng Thái

PGS.TS Trần Hồng Thái:

Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) đã chỉ ra 19 loại hình thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ,... thường xuyên xảy ra tại Việt Nam, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản. Thách thức lớn nhất cho công tác dự báo là làm sao một bản tin dự báo, cảnh báo phải phục vụ tốt nhất cho công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và giảm nhẹ thiệt hại. Chất lượng, hình thức, số lượng các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đã và đang ngày được cải tiến.

Tuy vậy, diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu đã tạo ra những thách thức không nhỏ đối với công tác dự báo, đòi hỏi các thông tin dự báo và cảnh báo thiên tai cần được cải thiện hơn nữa, nâng cao độ chính xác và độ tin cậy, góp phần cho việc xây dựng một xã hội an toàn hơn trước thiên tai.

Vẫn còn đó những hạn chế về mặt công nghệ dự báo trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đó là việc dự báo định lượng mưa, đặc biệt là dự báo định lượng mưa cho các khu vực nhỏ, đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan quy mô địa phương như lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất,… chưa được dự báo sớm, chỉ có thể cảnh báo tin cậy trước một thời gian tương đối ngắn.

PV: Vậy, ngành KTTV đã có những đổi mới ra sao nhằm xây dựng xã hội phát triển an toàn hơn trước thiên tai, thưa ông?

PGS.TS Trần Hồng Thái:

Những năm qua, ngành KTTV luôn chú trọng nhiệm vụ tăng cường hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực KTTV. Triển khai chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật về khí tượng thủy văn từ Trung ương đến địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng thời, chú trọng đầu tư, củng cố và hiện đại hóa công nghệ quan trắc với các thiết bị hiện đại và công nghệ dự báo tiên tiến của nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo về KTTV cả về nội dung và hình thức. Trong đó, có việc lắp đặt và tích hợp vào hệ thống quan trắc các trạm đo mưa tự động, tập trung cho các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; xây dựng mạng lưới quan trắc giông sét phục vụ công tác dự báo; hướng tới dự báo và cảnh báo tác động của thiên tai và liên tục cập nhật thông tin để nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai.

Các công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới trong dự báo thời tiết, thủy văn, hải văn đã, đang và sẽ đượctiếp tục ứng dụng trong công tác cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất,… Tuy vậy, để hoàn thiện hệ thống cảnh báo dựa trên tác động của thiên tai, cần sự phối kết hợp của nhiều Bộ, ban, ngành và địa phương vì có liên quan đến các nguồn số liệu khác nhau, chứ không chỉ số liệu KTTV.

Cùng với việc đầu tư công nghệ quan trắc và dự báo, cảnh báo, Tổng cục KTTV chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực dự báo với các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở trong và ngoài nước.

PV: Những nỗ lực đó đã mang lại kết quả tích cực như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Hồng Thái:

Từ sau khi Luật KTTV có hiệu lực, đến nay, chúng ta đã có gần 30 Nghị định, Thông tư, hướng dẫn được ban hành, trong đó, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về dự báo, cảnh báo thiên tai chiếm số lượng lớn, đây là một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường luật hóa hoạt động KTTV nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV.

Một trong những kết quả tích cực dễ nhận thấy nhất là gần đây, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao hơn; đặc biệt trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, lũ vốn là những loại hình thời tiết rất nguy hiểm, tác động và gây thiệt hại trên diện rộng. Về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai hiện nay. Độ tin cậy trong bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Các thông tin dự báo KTTV đã giúp các cấp từ Trung ương đến địa phương trong việc lập kế hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng các công trình, khai thác và sử dụng nguồn nước hợp lý, vận hành quy trình liên hồ chứa một cách hiệu quả. Các bản tin nước dâng do bão, cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, dòng chảy biển và triều cường thường xuyên được cập nhật đã đáp ứng được công tác chỉ đạo phòng, tránh thiên tai trên biển.

Những tiến bộ trong dự báo của Việt Nam đã được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công nhận. WMO đã chính thức đề nghị cơ quan KTTV quốc gia của Việt Nam đóng vai trò là Trung tâm Hỗ trợ khu vực Đông Nam Á đối với dự báo thời tiết nguy hiểm và lũ quét.
PV: Ông có thể chia sẻ, ngành KTTV đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm gì trong thời gian tới?

PGS.TS Trần Hồng Thái:

Thời gian tới, ngành KTTV đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, quy trình, quy định kỹ thuật về dự báo, cảnh báo KTTV, trong đóm tập trung vào xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai KTTV; quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai. Xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai khí tượng thủy văn như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn,... Chú trọng nghiên cứu, xây dựng quy trình, quy định về dự báo tác động và rủi ro thiên tai để các cấp, các ngành và người dân có thông tin nhằm chủ động hơn trong phòng, chống thiên tai.

Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống quan trắc và truyền tin KTTV từ mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn cơ bản đến hệ thống ra đa thời tiết, mạng lưới định vị sét đảm bảo có đầy đủ thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo; thực hiện khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng về thông tin, dữ liệu KTTV đang được đầu tư.

Bên cạnh đó, phát triển các hệ thống dự báo tự động thời gian thực, các công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV. Tập trung vào dự báo theo tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro nhằm nâng cao chất lượng và tăng thời hạn dự báo, cảnh báo. Ngành KTTV cũng tập trung nguồn lực, phối hợp với các địa phương, Bộ, ngành liên quan xây dựng các công cụ, bản đồ chi tiết cảnh báo khu vực có nguy cơ thiên tai cao; xây dựng công nghệ theo dõi, cảnh báo giông sét, mưa đá, tố, lốc và mưa lớn cục bộ. Phát triển và ứng dụng các mô hình số trị khu vực với độ phân giải rất cao (khoảng 1km) để dự báo mưa lớn cho các đô thị lớn.

Tăng cường năng lực cho đội ngũ dự báo viên nhằm tiếp cận và sử dụng các công nghệ dự báo hiện đại vào thực tế tại Việt Nam thông qua ứng dụng khoa học công nghệ và hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là đối với dự báo định lượng mưa, từ đó, nâng cao độ tin cậy trong cảnh báo lũ quét và sạt lở đất trong trường hợp có mưa lớn. Tăng cường tuyền truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về diễn biến thiên tai, khả năng dự báo, cảnh báo để chủ động ứng phó.

Cuối cùng, ngành KTTV đang nghiên cứu đổi mới tổ chức hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực tế trong dự báo phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển KT - XH của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Việt Hùng - Tuyết Chinh (thực hiện)