Con không chăm sóc, bố mẹ có quyền đòi lại đất đã cho?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 14:53, 12/09/2019
Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:
Theo quy định, việc bố mẹ bạn có đòi lại được đất đã cho hay không phụ thuộc vào việc lúc tặng cho các bên có lập biên bản thỏa thuận hay không.
Trường hợp có văn bản thỏa thuận
Văn bản thỏa thuận này có thể xem là giao dịch dân sự có điều kiện được quy định tại Điều 125 BLDS 2005, cụ thể:
“1. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.
2. Trong trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở của một bên hoặc của người thứ ba thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; nếu có sự tác động của một bên hoặc của người thứ ba cố ý thúc đẩy cho điều kiện để làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.”
Như vậy, nếu trong thỏa thuận này có điều kiện làm cho giao dịch dân sự giữa bố mẹ và anh trai bạn bị hủy bỏ (ở đây là việc anh trai bạn không chịu chăm sóc bố mẹ bạn) thì khi điều kiện này xảy ra, giao dịch giữa bố mẹ và anh trai bạn bị hủy bỏ.
Vì vậy, bố mẹ bạn có quyền đòi lại đất đã cho anh trai bạn. Trình tự, thủ tục yêu cầu tuyên bố hủy bỏ giao dịch dân sự có điều kiện được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS).
Theo Điều 120 BLDS 2015 như sau: “1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.
2. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra."
Trường hợp không có văn bản thỏa thuận
Không có căn cứ để viện dẫn việc anh trai bạn không chăm sóc bố mẹ là điều kiện để thỏa thuận cho đất bị hủy bỏ. Mặt khác, sau khi hoàn thành thủ tục sang tên, anh trai trở thành người sử dụng đối với diện tích đất 300 m2 mà bố mẹ bạn đã cho.
Như vậy, việc đòi lại đất trong trường hợp này không thực hiện được.
Giải quyết tranh chấp
Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS: Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Như vậy, nếu có văn bản thỏa thuận trước đó, việc yêu cầu tuyên bố hủy bỏ giao dịch giữa bố mẹ bạn với anh bạn thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND.
Theo điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS thì TAND có thẩm quyền được xác định là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân…
Như vậy, với yêu cầu đòi đất thì TAND cấp huyện nơi anh trai bạn cư trú (bao gồm nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú) sẽ có thẩm quyền giải quyết.