Sạt lở “bủa vây” người dân ở Quảng Nam
Môi trường - Ngày đăng : 10:20, 11/10/2019
Nỗi lo sạt lở
Điểm sạt lở nghiêm trọng trên sông Trường đã lấn sâu vào các nhà dân ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, nhiều ngôi nhà chỉ cách khu vực sạt lở khoảng hơn 1 mét. Tại nhiều khúc sông, nước chảy xói vào bờ tạo thành những hàm ếch, nguy cơ tiếp tục sạt lở trong mùa mưa khiến người dân luôn sống trong tình trạng lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Anh (55 tuổi, trú thôn 4, xã Phước Hiệp) cho biết, gia đình bà chuyển từ TP. Hội An lên thôn 4, xã Phước Hiệp định cư và làm nhà ở từ năm 1985. Trước đây, nhà của gia đình bà cách bờ sông Trường gần 20m, tuy nhiên, những năm qua do ảnh hưởng của sạt lở, đất đá sau nhà trôi xuống sông và hiện vách nhà chỉ cách điểm sạt lở chỉ hơn 1m.
“Nghiêm trọng nhất là vào mùa mưa năm 2017, lúc đấy chỉ nghe một tiếng ầm là cả một khu đất bị cuốn xuống sông, quá bất ngờ gia đình tôi vội chạy ra khỏi nhà. Hiện vách nhà tôi còn cách bờ sông khá gần nên khi có mưa lớn tôi không dám ở trong nhà. Ngôi nhà của gia đình tôi cũng nằm trong diện những hộ di dời và được hỗ trợ nhưng không có đất làm nhà nên chưa di dời được”- bà Anh cho biết.
Mới đây, Công ty CP thủy điện Đăk Mi 4 đã triển khai xây dựng bờ kè dọc sông Trường có chiều dài khoảng 320m, với tổng nguồn kinh phí hơn 6 tỷ đồng nhằm chống sạt lở và bảo vệ khu dân cư. Tuy nhiên, chiều dài kè không bao nhiêu cũng ngăn nổi tốc độ gia tăng sạt lở ở sông Trường.
Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Trường xuất hiện vào mùa mưa diễn ra từ nhiều năm nay với tổng chiều dài bị sạt lở khoảng hơn 5km, diện tích đất đai bị ảnh hưởng lên tới hàng chục ha. Hiện một số hộ dân ở thôn 4, xã Phước Hiệp chưa di dời vì người dân không có đất làm nhà. Đối với những trường hợp này địa phương đã làm cam kết với các hộ dân, khi có mưa lũ thì chủ động di dời.
“Mùa mưa lũ đoạn được bờ kè dài 320 m dọc bờ sông Trường sẽ góp phần bảo vệ khu dân cư qua thôn 1, xã Phước Hiệp. Còn về lâu dài, huyện Phước Sơn đã kiến nghị với cơ quan cấp trên cần có giải pháp nghiên cứu, đầu tư phòng chống sạt lở.”- ông Nguyễn Quảng cho biết.
Nan giải bài toán vốn
Dọc sông Thu Bồn tình trạng sạt lở đoạn qua các huyện Duy Xuyên Điện Bàn và Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam cũng diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hàng trăm ha đất sản xuất và nhà ở của người dân đã bị dòng nước cuốn trôi. Theo người dân địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở một phần đến từ thiên tai lũ lụt nhưng phần không nhỏ là do việc hút cát ồ ạt, tràn lan ở sông Thu Bồn. Lợi dụng đêm khuya, vắng người các ghe hút cát đã thả các ống dây hút cát gần sát bờ sông để khai thác cát trộm.
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, từ 2015 đến nay, ngân sách Trung ương và tỉnh đã hỗ trợ hơn 200 tỷ đồng giúp địa phương xây dựng các bờ kè. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 500m bờ sông chưa được xây kè. Thị xã Điện Bàn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét đầu tư kinh phí xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bà con. Trước mắt, địa phương hỗ trợ bà con trồng tre, cây bần hoặc dùng sọt đá tạm thời chống xói lở.
“Sạt lở ven sông đang gây nguy hại rất lớn. Chúng tôi đã chủ động xác định một số khu vực tái định cư mới, nếu nhân dân có nhu cầu di chuyển đến. Hiện nay, rất nhiều điểm sạt lở, nhưng biện pháp căn cơ rất khó, bởi vì 1km kè nếu đầu tư tầm 20 đến 25 tỷ đồng thì vượt khả năng của thị xã”- ông Úc nói.
Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 1.200 hộ với hơn 4.600 nhân khẩu nằm trong nguy cơ sạt lở ven sông, ven núi. Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Nam tỉnh chỉ đạo các địa phương sẵn sàng lên phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn cho biết, tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để giúp các địa phương chủ động phòng chống thiên tai.
“Tỉnh đã lên 9 danh mục đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển cũng như phương án di dời dân. Tất cả những dự án sắp xếp dân cư và các dự án khắc phục bờ sông, bờ biển sạt lở thì đã có văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư cũng như nhà thầu tranh thủ thiết lập phương án để phòng chống lũ, phòng chống bão trước khi công trình hoàn thành. Cho nên hiện nay đang rà soát tất cả các nhà thầu đều vượt tiến độ để hạn chế đến mức thấp nhất ứng phó với thiên tai”- ông Tấn cho hay.