Triệu Sơn (Thanh Hóa): Dự án nâng cấp đê hữu sông Hoàng thi công "rùa bò" khiến người dân bức xúc

Tiếng dân - Ngày đăng : 09:18, 14/10/2019

(TN&MT) – Thiếu vốn và chậm giải tỏa đang là nguyên nhân dẫn tới thi công “rùa bò” tại Dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Hoàng đoạn qua các xã Đồng Thắng, Đồng Lợi và Đồng Tiến (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Đến nay, công trình mới hoàn thành 20% khối lượng công việc, gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân trong vùng dự án.

Dự án nâng cấp, tu bổ đê hữu sông Hoàng đoạn qua các xã Đông Thắng, Đồng Lợi và Đồng Tiến do UBND huyện Triệu Sơn làm chủ đầu tư, Dự án có vai trò ngăn lũ để bảo vệ tính mạng và tài sản, đảm bảo sản xuất và cải thiện điều kiện đi lại của người dân. Công trình gồm các hạng mục: Đắp tôn cao, áp trúc và gia cố mặt đê với tổng chiều dài 3883,5 m; làm mới 6 cống tiêu, 2 cống tiêu kết hợp qua đê và hoàn trả các dốc qua lên xuống đê…
 

Hàng trăm hộ dân thuộc các xã Đồng Thắng, Đồng Lợi và Đồng Tiến mong mỏi Dự án nâng cấp đê hữu sông Hoàng sớm hoàn thành
Hàng trăm hộ dân thuộc các xã Đồng Thắng, Đồng Lợi và Đồng Tiến mong mỏi Dự án nâng cấp đê hữu sông Hoàng sớm hoàn thành

Dù thi công được hơn 6 tháng, hiện công trình vẫn đang trong tình trạng ngổn ngang, nham nhở, chưa biết đến khi nào hoàn thành vì thiếu vốn và vướng mắc trong GPMB…Điều này, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân nằm trong vùng dự án.

Tiếp xúc với phóng viên, ông Bùi Xuân Tiêng, ở thôn 9, xã Đồng Thắng bày tỏ lo lắng: Các anh thấy đấy, từ nhà ở đến ruộng đồng trong thôn đều nằm ở vị trí đất trũng, hàng năm vào mùa lũ thì cả vùng đều bị ngập. Khi biết huyện tiến hành cải tạo đê sông Hoàng, bà con ở đây rất vui mừng và phấn khởi. Thế nhưng, vừa thi công được thời gian ngắn, không hiểu vì sao họ lại dừng, cứ đà này không biết đến bao giờ mới hoàn thành được tuyến đê.

Cùng chung suy nghĩ, người dân thôn Thọ Lộc, xã Đồng Lợi cho biết: Trước đây, để thuận tiện đi lại chúng tôi phải góp tiền đổ bê tông con đường dài gần 500m, khi dự án nâng cấp đê thực hiện, bà con đều ủng hộ và đồng ý cho đơn vị thi công phá toàn bộ đường bê tông. Từ tháng 4 đến tháng 9, họ thi công nào được mấy ngày, đến nay thì dừng hẳn, để lại đường xá lầy lội, trơn trượt, gây khó khăn cho việc đi lại. Giờ bà con trong thôn, ai cũng mong muốn dự án nhanh chóng hoàn thành, chứ khi mùa lũ về, lúc đó tính mạng và tài sản sẽ khó đảm bảo.
 

Hiện tại, công trình mới thực hiện được 20% khối lượng công việc
Hiện tại, công trình mới thực hiện được 20% khối lượng công việc

Theo Báo cáo số 3864/SNN&PTNT-QLXDCT, ngày 7/10/2019 của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, đến nay tiến độ thi công của dự án đang rất chậm so với hợp đồng, cụ thể: Đoạn từ K9+750 – K11+299 xã Đồng Tiến, Đồng Thắng đang triển khai thi công đất đắp, khối lượng đắp ước đạt 10.000/84.851 m³, một số đoạn mới triển khai bóc phong hóa nền và mái đê cũ; đoạn từ K21+350 – K25+100 xã Đồng Thắng, Đồng Lợi chưa triển khai thi công; tổng khối lượng công việc ước đạt 20%; về chất lượng công trình thì độ ẩm của đất đắp tương đối lớn, chưa phù hợp theo quy định thiết kế.

Liên quan đến vấn đề trên, Ông Nguyễn Đăng Quân, Cán bộ địa chính xã Đồng Thắng cho biết: Đầu năm 2019, UBND xã Đồng Thắng thực hiện việc GPMB và bàn giao cho đơn vị thi công để thực hiện Dự án nâng cấp đê hữu Sông Hoàng, song nay công trình lại chậm tiến độ. Trước tình hình đó, trong các lần họp trên UBND huyện, địa phương nhiều lần ý kiến về việc chậm tiến độ của dự án, khiến viêc đi lại cho bà con trong mùa mưa trở nên khó khăn.
 

Công ty CP Thương Mại Phụng Vân sử dụng đất đắp tương đối lớn, chưa phù hợp theo quy định thiết kế
Công ty CP Thương Mại Phụng Vân sử dụng đất đắp tương đối lớn, chưa phù hợp theo quy định thiết kế

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Phạm Thế Khoa, Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn cho biết: Dự án nâng cấp đê hữu sông Hoàng được thực hiện vào tháng 4/2019, với tổng kinh phí khoảng 9 tỷ đồng, đơn vị thực hiện thi công là Công ty CP Thương Mại Phụng Vân. Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ là do thiếu vốn và GPMB còn vướng mắc, cùng với đó là khó khăn trong việc tìm kiếm đất đắp cho công trình, thi công lại vào mùa mưa. Để đảm bảo tiến độ dự án, thời gian tới UBND huyện sẽ làm việc với đại diện các xã và đơn vị thi công, từ đó sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại.

Rõ ràng, ngoài việc chuẩn bị tốt về nguồn vốn, thì chủ đầu tư cần lựa chọn đơn vị thi công đủ năng lực, có như vậy tình trạng chậm tiến độ sẽ không xảy ra và chất lượng công trình được đảm bảo. Còn người dân được hưởng lợi từ dự án, sẽ an tâm sản xuất và không phải lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về.

Tuyết Trang- Đức Duy