Đà Nẵng: Cô gái trẻ thành công với mô hình nuôi trồng tảo khép kín

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 17:46, 11/10/2019

(TN&MT) - Để tìm ra được sản phẩm tảo khi đến tay người dùng vẫn giữ được nguyên vẹn hàm lượng chất dinh dưỡng, cô gái trẻ Đinh Nguyễn Hoàng Thư (30 tuổi, Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã lặn lội tìm kiếm giống, công nghệ và mày mò nghiên cứu phương pháp nuôi trồng, chế biến. Và đến nay, sau 3 năm gầy dựng, mô hình nuôi trồng, chế biến tảo hoàn toàn khép kín của cô đã thành công và trở thành mô hình nuôi trồng tảo sử dụng công nghệ khép kín đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
1. Hồ nhân giống tảo mặt trời tại nhà của Hoàng Thư
Hồ nhân giống tảo mặt trời tại nhà của Hoàng Thư

Mô hình nuôi trồng tảo khép kín đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam

Với mục đích ban đầu là tìm nguồn tảo tốt để hồi phục sức khỏe cho ông ngoại, Thư biết đến loài tảo mặt trời của Nhật Bản nhưng khi tìm hiểu sâu cô biết được các sản phẩm tảo khi nhập về sẽ không còn giữ được nguyên vẹn hàm lượng chất dinh dưỡng, từ đó suy nghĩ làm sao để có được một sản phẩm tảo nguyên chất luôn đau đáu trong Thư.

Ấp ủ mong muốn giữ được 100% chất dinh dưỡng của tảo mặt trời Spirulina, Hoàng Thư bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu giống tảo này rồi dần dà Thư nhận ra chỉ có một mô hình khép kín từ khi nuôi con giống đến khi ra sản phẩm mình mới có thể bảo đảm được nguồn dinh dưỡng trong tảo còn nguyên vẹn. 

Thư chia sẻ: “Thực sự làm cái này (mô hình nuôi trồng tảo) mình cũng lăn tăn lúc đầu là nó khó vì làm từ A - Z rất là khó, chi phí đầu tư nhiều, chất xám nhiều, mà mọi thứ đều mới mẻ vì ở đây chưa có ai làm… nên mình nhìn thấy toàn là khó khăn. Nhưng mà nếu mình không tự làm, không làm chủ nguồn nguyên liệu thì không dám làm, không dám bán và không dám dùng. Chỉ có tự làm mình mới dám chắc vào sản phẩm của mình, mới có đủ tự tin để giới thiệu đến người dùng.”

Khởi đầu, Thư nhập giống tảo từ nước ngoài về và tự nhân giống rồi tìm hiểu quy trình nuôi trồng. Sau vài lần thử nghiệm và cũng gặp phải nhiều khó khăn, thất bại Thư có được những kinh nghiệm “dắt túi” cho phương pháp nuôi trồng tảo. Thành công với bước nhân giống, Thư bắt đầu mở rộng quy mô nuôi trồng và nghiên cứu mô hình khép kín (nuôi trồng - thu hoạch - lọc rửa - ép sấy) để đảm bảo vệ sinh cũng như giữ được trọn vẹn chất dinh dưỡng trong tảo mặt trời.

2. Cơ sở nuôi tảo có diện tích hơn 1000m2 của Thư ở Thọ Quang, Sơn Trà
Cơ sở nuôi tảo có diện tích hơn 1000m2 của Thư ở Thọ Quang, Sơn Trà

“Thông thường những tảo được nhập thường bị chiết xuất rồi, không giữ được 100% chất dinh dưỡng, nhất là các khoáng chất vitamin thường hay bị chiết để làm thuốc phục vụ cho ngành dược nên hàm lượng dinh dưỡng không được giữ trọn”- Thư nói.

Ngoài ra, để bảo quản và giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao nhất, Thư nghiên cứu phương pháp sấy lạnh phù hợp với đặc tính của loài tảo mặt trời, vừa giữ được nguyên chất lại kéo dài được thời gian bảo quản, sử dụng.

Sau 3 năm nghiên cứu và nuôi trồng, đến nay cơ sở Tảo Spidana trực thuộc HTX Công Nghệ Cao Mặt Trời Việt của Đinh Nguyễn Hoàng Thư đã được nuôi trồng hơn 1000m2 tại Sơn Trà và các sản phẩm tảo đã có mặt tại 3 thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Hướng đến những ý tưởng xanh

Khi được hỏi về chiến lược maketing để đưa tảo mặt trời ra thị trường, cô gái trẻ cho hay: Từ trước đến nay, Thư chỉ tập trung nghiên cứu và sản xuất với suy nghĩ đơn giản là mang đến cho người dùng một sản phẩm tảo nguyên chất, trọn vẹn dinh dưỡng, Thư thực sự không nghĩ đến cũng như không có chiến lược maketing hay tìm hiểu về các đối thủ khác, con đường đưa sản phẩm đến tay người dùng của Thư chủ yếu là bằng truyền miệng.

3. Đinh Nguyễn Hoàng Thư (phải) đang giới thiệu về các sản phẩm tảo Spidana
Đinh Nguyễn Hoàng Thư (phải) đang giới thiệu về các sản phẩm tảo Spidana

Không có chiến lược kinh doanh nhưng Thư lại nuôi ý tưởng muốn được mở rộng diện tích nuôi tảo để kết hợp du lịch trải nghiệm. “Nhìn những đứa trẻ sau những giờ học chỉ biết ôm các thiết bị điện tử, thư nảy sinh suy nghĩ muốn kết hợp nuôi trồng tảo với du lịch trải nghiệm để có một nơi không chỉ cho du khách tham quan mà còn cho bọn trẻ trải nghiệm, tìm tòi sau những giờ học thay vì chơi game, xem tivi, điện thoại…”- Thư tâm sự.

Nuôi trồng tảo một mô hình sản xuất trăm lợi không một hại với môi trường khi nó không tạo ra chất thải, quá trình quang hợp của tảo sẽ tạo ra được nguồn ôxy và hút bớt các khí thải trong không khí, hơn nữa việc nuôi trồng tảo không sử dụng nguồn nước nhiều như sản xuất nông nghiệp nên rất thuận lợi. Chính vì những ưu điểm này mà Thư luôn mong muốn có được nguồn đất để mở rộng diện tích nuôi trồng tảo, vừa là tạo được nguồn thu vừa góp phần cải thiện môi trường của thành phố.

Ngoài ra, tại cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do UBND quận Sơn Trà và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức mới đây, Thư đã đạt giải nhất với ý tưởng “Ứng dụng năng lượng mặt trời và trang thiết bị cho nuôi trồng và chế biến tảo xoắn”.

Thư cho biết, nếu ý tưởng được thực hiện, cô sẽ triển khai một hệ thống bằng việc lắp đặt các thiết bị để sử dụng năng lượng mặt trời nuôi trồng tảo, khi có nguồn năng lượng dư thừa cô sẽ dùng để sản xuất điện.

Yến Nhi