Đô thị hóa và nỗi lo rác thải: Cần giải pháp hữu hiệu về chính sách, quy hoạch và đầu tư

Tin tức - Ngày đăng : 10:59, 10/10/2019

(TN&MT) - Chôn lấp rác thải đô thị chiếm 76% tổng lượng rác thải. Nếu không có giải pháp xử lý, đến năm 2020, nhiều thành phố lớn sẽ không còn đất để chôn lấp. Xử lý vấn đề này như thế nào?

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn PGS.TS. Mai Thị Liên Hương (ảnh), Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 PV: Thưa bà, tốc độ phát triển đô thị nhanh cùng với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc gia tăng lượng rác thải mỗi ngày. Đánh giá của bà về thực trạng này như thế nào?

images (1)PGS.TS. Mai Thị Liên Hương:

Đây là một thực tế chúng ta nhìn thấy mỗi ngày. Bạn chỉ cần nhìn ngay sinh hoạt của gia đình mình sẽ thấy điều đó. Kết quả thống kê tại Dự án Tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị tại Việt Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA) tài trợ và Bộ Xây dựng thực hiện hơn hai năm trước đây cho kết quả khá cụ thể. Ước tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) thu gom tại Việt Nam là 15.839 nghìn tấn năm 2016. Trong đó, chỉ có 32,8% tổng khối lượng chất thải thu gom được xử lý tại các cơ sở trung gian, còn lại được chôn lấp trực tiếp. Khối lượng CTRSH thu gom/trên người/ngày được phân tích theo loại đô thị trên toàn quốc cũng có giá trị dao động lớn: Ở các thành phố, thị xã, phổ biến khoảng 600 - 1.000g/người/ngày; ở các huyện phổ biến khoảng 400 - 600g/người/ngày.

PV: Công tác thu gom và xử lý rác được tiến hành ra sao, thưa bà?

PGS.TS. Mai Thị Liên Hương:

Thời gian qua, ở các thành phố lớn liên tục xảy ra tình trạng nguời dân chặn xe rác do bị ảnh hưởng từ các bãi chôn lấp rác. Trong khi các bãi chôn lấp ngày càng quá tải thì rác thải đô thị lại ngày một tăng. Chỉ tính riêng TP.HCM, mỗi ngày phát sinh thêm 13.000 tấn rác thải, trong đó, có 8.300 tấn rác thải sinh hoạt, 1.500 - 2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200 - 1.600 tấn rác xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ CTRSH theo dân số của các tỉnh, thành phố có giá trị dao động lớn. Rác thải sinh hoạt được thu gom chỉ khoảng 62%. Con số này trong khu vực các đơn vị hành chính có con số khả quan hơn, trung bình 85% số CTRSH được thu gom.

Rác thải sinh hoạt gia tăng, trong khi đó, các cơ sở xử lý CTRSH chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là trong dài hạn. Có 49 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở sản xuất phân hữu cơ hoặc cơ sở xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt; 23 tỉnh thành phố có trên 10 bãi chôn lấp trên địa bàn.

Việc chôn lấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Điều này đã được cảnh báo từ lâu, nhưng đến nay, nhiều địa phương vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp. Bởi lẽ chính sách về thu gom và đơn giá xử lý rác theo công nghệ tiên tiến vẫn chưa phù hợp với thực tế. Về công nghệ và công suất xử lý, theo những số liệu mà chúng tôi có được, có 23/43 cơ sở thống kê có công suất từ 100 - 500 tấn/ngày. Trong đó, 1 cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh có thiết kế trên 1.000 tấn/ngày. Có 74/202 cơ sở xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt với công suất 5 - 10 tấn/ngày. Có 193/426 bãi chôn lấp được điều tra có sức chứa nhỏ hơn 5.000m3…

Thực trạng công tác xử lý CTRSH của các đô thị ở Việt Nam thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là khủng hoảng, nếu chúng ta không đề xuất những giải pháp căn cơ, hữu hiệu về chính sách, quy hoạch, đầu tư cho lĩnh vực này.

PV: Thực tế trong công tác quản lý, hoạch định chính sách, bà nhìn nhận những thuận lợi, khó khăn gì trong công tác xử lý CTRSH ở Việt Nam?

PGS.TS. Mai Thị Liên Hương:

Cho đến nay, các quy định pháp luật, cơ chế chính sách đã tương đối hoàn thiện: Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP... Quy hoạch quản lý chất thải rắn các lưu vực sông, các vùng Kinh tế trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch quản lý/xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt tại hầu hết các địa phương (59/63 địa phương) là cơ sở để kêu gọi các dự án đầu tư.

Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh (Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018), trong đó, tập trung và định hướng xác định phát triển các công nghệ chuyển hóa chất thải rắn thành năng lượng, phát triển các cơ sở xử lý tập trung, quy mô vùng. Khuyến khích hoạt động đồng xử lý chất thải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Xu hướng kết hợp xử lý CTRSH và các loại CTR khác (công nghiệp, chất thải nguy hại) đang được nghiên cứu, chấp thuận, góp phần đảm bảo chi phí cho nhà đầu tư. Phí vệ sinh đã được chuyển sang giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, là cơ sở để nhiều địa phương xây dựng lộ trình tăng giá phù hợp, đảm bảo dần bù đắp kinh phí cho Nhà nước và nhà đầu tư. Các địa phương đã và đang xây dựng lộ trình thu giá dịch vụ xử lý CTRSH, tiến tới giảm bù đắp từ ngân sách, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư.

Hiện nay, công tác quy hoạch dù đã có nhưng còn nhiều vướng mắc như: Lựa chọn vị trí cơ sở xử lý CTR khó khăn do khoảng cách an toàn môi trường chưa được quy định thống nhất, người dân không đồng thuận…; vị trí thường cách xa các khu vực có nhu cầu sử dụng nhiệt từ quá trình xử lý (xa khu dân cư, khu công nghiệp); việc đồng xử lý CTRSH tại các cơ sở (như nhà máy xi măng) còn gặp nhiều rào cản cả về chính sách cũng như kỹ thuật, kinh tế.

Thủ tục đầu tư đối với các dự án xử lý CTR khá phức tạp (hình thức PPP, thủ tục về đầu tư xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, đấu nối phát điện (nếu có) kéo dài gây lãng phí, mất cơ hội cho các nhà đầu tư.

Việc quản lý CTRSH theo mô hình tập trung còn nhiều khó khăn giữa các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp thực hiện. Kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước nên còn hạn chế. Công tác quản lý CTR tại nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức từ chính quyền, các đoàn thể, tổ chức và người dân. Các chính sách ưu đãi đã được ban hành (về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, thuế, các chính sách hỗ trợ, tiêu thụ sản phảm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế từ chất thải,…) nhưng việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết.

Bên cạnh đó, chưa định hướng, lựa chọn được công nghệ xử lý phù hợp cũng như mô hình hoạt động hiệu quả. Chất thải chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị không cao.

Giải quyết được những khó khăn nêu trên không phải ngày một ngày hai, nhưng càng làm sớm những tác động xấu đến môi trường càng được giảm thiểu. Hơn nữa, chúng ta còn khai thác hiệu quả giá trị kinh tế từ rác.

 PV: Trân trọng cảm ơn bà!

 

Mai Chi (thực hiện)