TP.HCM: Sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 22:33, 09/10/2019

(TN&MT) - Do phương pháp quan trắc thủ công, gián đoạn nên số liệu về ô nhiễm không khí tại TP.HCM thời gian vừa qua chưa được ghi nhận, công bố kịp thời. Vì vậy, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm quan trắc không khí tự động liên tục.

Thông tin trên được ông Cao Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT TP.HCM) cho biết tại buổi họp báo về chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP.HCM, chiều 9/10.

hb1
Ông Cao Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT TP.HCM) chia sẻ tại buổi họp báo

3 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Theo ông Cao Trung Sơn, ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM 9 tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2019. Ô nhiễm chủ yếu do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép.

Trong đó, nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được  tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Đặc biệt, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt  quy chuẩn cho phép.

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu từ 3 nguồn chính: hoạt động giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp và hoạt động xây dựng.

Hiện nay, theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP.HCM có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố để sinh sống.

Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân thành phố.

Còn theo thống kê không đầy đủ, TP.HCM có khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Trừ một số nhà máy xí nghiệp nằm trong các KCN tập trung hoặc nằm tại khu vực xa dân cư, còn lại hầu hết các sơ sở sản xuất nhất là cơ sở xuất xuất tiểu - thủ công nghiệp đều nằm xen kẽ với khu vực dân cư nên khí thải từ các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm không khí và anh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân.

hb2
Hoạt động giao thông là 1 trong 3 nguyên nhân gây ô nhiễm chính tại TP.HCM

“Mù sương” mang tính chu kỳ

Tại buổi họp báo, ông Cao Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT TP.HCM) cũng giải thích hiện tượng trong khoảng thời gian từ ngày 18/9 - 25/9, TP.HCM xuất hiện hiện tượng mù quang hóa, trời mù sương, gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Hiện tượng mù quang hóa  là một thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.

Tại TP.HCM, do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam khiến thời tiết luôn ở trạng thái nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù.

Ngoài ra, do trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho các chất khí ô nhiễm (phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân…) nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được gây tích tụ ô nhiễm.

Hiện tượng mù quang hóa gây mù sương diễn ra theo chu kỳ vào khoảng tháng 9, 10 hoặc tháng 1 hằng năm, kéo dài trong khoảng 6 - 7 ngày. Hiện tượng này bắt đầu xảy ra tại TP.HCM từ năm 2015 và liên tục đến nay.

Ông Cao Trung Sơn cũng thông tin về tình hình ô nhiễm không khí trong khoảng thời gian xảy ra mù quang hóa được ghi nhận trong các ngày 18 - 20/9 có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm: bụi lơ lửng  tăng 2,19 lần, PM10 tăng 1,9 lần NO2 tăng 1,4 lần, CO tăng 1,4 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần... Đặc biệt, các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao trong ngày 20/9 với các mức lần lượt là 505, 25%, 50%.

hb3
Hiện tượng “mù sương” mù quang hóa tại TP.HCM xảy ra mang tính chu kỳ hàng năm

Đầu tư hệ thống trạm quan trắc không khí tự động

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt vấn đề tại sao số liệu quan trắc chất lượng không khí tại TP.HCM thường chậm, khiến cho người dân không được cảnh báo trước về mức độ ô nhiễm để có sự chuẩn bị, đối phó. 

Ông Cao Trung Sơn cho biết, thời gian qua, công tác quan trắc không khí của TP.HCM đang sử dụng phương pháp thủ công, gián đoạn nên kết quả quan trắc chỉ có sau 3 ngày lấy mẫu. Đây chính là một hạn chế trong công tác quan trắc môi trường không khí của TP.HCM.

Để khắc phục hạn chế này, TP.HCM đã xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng.

UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt Kế hoạch triển khai, thực hiện "Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM đến năm 2020". Theo đó, trong năm 2020, TP.HCM sẽ triển khai đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 01 trạm quan trắc không khí tự động, di dộng. Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc không khí tự động liên tục sau năm 2020 đến trước năm 2030.

Ông Cao Trung Sơn cũng cho biết, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng; xây dựng phần mầm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố.

Nguyễn Quỳnh