Ra quân vì một Vũng Tàu Xanh – Sạch – Đẹp
Môi trường - Ngày đăng : 11:12, 09/10/2019
.Trước đó trong hai ngày 7 và 8/10, toàn tuyến biển Bãi Sau Vũng Tàu (từ mũi Nghinh Phong đến khu du lịch Long Cung) đã hứng nhiều đợt rác thải tấn công. Ghi nhận trong sáng 8/10, rác thải các loại, trong đó nhiều nhất là quả đước, củi mục, thân dừa nước, tay lưới, chai lọ, phao, xốp… xếp lớp dày đặc, kéo dài dọc Bãi Sau. Và chỉ trong vòng thời gian ngắn, lượng rác khổng lồ đã được thu gom, trả lại sự sạch sẽ cho suốt tuyến bờ biển.
Phản ứng nhanh trước tình hình, các khu du lịch, bãi tắm chủ động bố trí nhân lực thu gom, di dời rác nhanh ra khỏi bãi tắm. Ông Phan Văn Thực, Phó Giám đốc khu du lịch Biển Đông cho biết: Tình trạng rác “tấn công” vào ngày đầu tuần, khách du lịch vắng nên không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh. Chúng tôi đã tập trung toàn bộ lực lượng dọn dẹp, dự kiến sẽ xong trong ngày. Tuy nhiên, lượng rác thải quá nhiều nên chúng tôi phải chia khu vực, tập trung làm sạch khu vực thường có khách lẻ trước, sau đó sẽ làm rộng toàn bãi.
Trước tình hình trên, chính quyền TP.Vũng Tàu cũng huy động Công ty CP dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, công chức, viên chức các phường, người dân, du khách đồng loạt hỗ trợ thu gom, dọn dẹp. Rác sau khi thu gom được tập kết lên bờ để xe chở rác chuyên dụng của Công ty CP dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu đưa đi xử lý. Với sự chỉ đạo kịp thời từ chính quyền, sự hỗ trợ từ các lực lượng và vào cuộc tích cực, chủ động của các doanh nghiệp kinh doanh bãi tắm, đến nay toàn tuyến biển Bãi Sau cơ bản đã sạch rác. Trong đó, các bãi tắm thuộc khu du lịch Biển Đông, Gió Biển, Imperial, DIC, công viên Cột Cờ đã có người tắm biển trở lại.
Cùng tham gia thu gom rác tại bãi tắm Thùy Vân trong sáng 8/10, anh Aydin, du khách đến từ Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ: Anh đến Vũng Tàu du lịch 4 ngày, ngày nào cũng tắm biển. 2 ngày nay thấy rác lập lờ trong nước, anh không hiểu tại sao và do đâu nên cũng hơi sợ. “Nhưng quan sát kỹ, tôi nhận thấy chủ yếu là thực vật, cây cối theo nước dạt vào. Loại rác thải này không nguy hại nên khi thấy có nhiều người dọn rác, tôi cũng chung sức cùng làm. Mỗi người góp một tay việc sẽ hoàn thành nhanh hơn”, anh Aydin nói.
Theo các chuyên gia môi trường, hàng năm, các bãi tắm trên địa bàn BR-VT thường hứng chịu từ 2 đến 3 đợt rác thải từ đại dương. Mỗi đợt nhanh thì 3-4 ngày, nhưng cũng có đợt kéo dài cả tuần với đủ loại từ lục bình, cây mục, lưới, chai nhựa, phao, xốp, xác động vật… Trong đó, hai đợt rác dạt vào ồ ạt rơi vào tháng cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi thời tiết chuyển gió Tây Nam và cuối tháng 9, đầu tháng 10, khi thời tiết chuyển mùa gió từ Tây Nam sang Đông Bắc, kết hợp thủy triều lớn đẩy rác từ cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây ra biển theo hướng gió và dòng chảy trôi về BR-VT.
Lý giải nguyên nhân đợt rác này dày đặc và nhiều hơn so với những lần trước, ông Nguyễn Xuân Mạnh, Giám đốc Công ty CP dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu cho biết: Năm nay, BR-VT và các tỉnh Nam bộ đang trải qua một đợt triều cường cao nhất trong 20 năm qua, lại thêm gió mạnh làm lượng rác từ Cần Giờ và các cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây trôi dạt vào biển Vũng Tàu tăng đột biến. “Đến tối 8/10, tổng lượng rác công ty vận chuyển đến khu xử lý rác Tóc Tiên đạt khoảng 140 tấn”, ông Mạnh cho biết thêm.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường biển như: Phát động chiến dịch làm sạch biển; Cấm tổ chức ăn uống, xả rác trên bãi tắm; truyền thông về môi trường biển và đại dương; Vận động ngư dân không xả thải ni lon, nhựa trên biển… “Các hoạt động kinh tế dịch vụ của BR-VT gắn với biển là chủ yếu. Do vậy, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tổ chức truyền thông mạnh mẽ hơn nữa nhằm tác động dần thay đổi ý thức, hành vi của người dân hướng đến bảo vệ môi trường biển bền vững” góp phần giữ gìn Thành phố biển Xanh – Sạch – Đẹp, ông Linh nói.