Phú Yên: Đường giao thông nông thôn do nhà nước và nhân dân cùng làm thi công kém chất lượng

Tiếng dân - Ngày đăng : 21:43, 08/10/2019

(TM&MT) - Tuyến đường từ nhà ông Ngữ - nhà ông Hậu ở thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh, huyện Tuy An được đầu tư với tổng mức dự toán hơn 787 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của nhân dân theo Nghị quyết 60 ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh Phú Yên, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và giúp địa phương hoàn thiện tiêu chí hạ tầng sớm về đích nông thôn mới. Thế nhưng, công trình này thi công không đảm bảo chất lượng, buộc phải dừng thi công chờ xử lý.
Tuyến đường từ nhà ông Ngữ - nhà ông Hậu ở thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh, huyện Tuy An được đầu tư với tổng mức dự toán hơn 787 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của nhân dân theo Nghị quyết 60 ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh Phú Yên
Tuyến đường từ nhà ông Ngữ - nhà ông Hậu ở thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh, huyện Tuy An được đầu tư với tổng mức dự toán hơn 787 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của nhân dân theo Nghị quyết 60 ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh Phú Yên

Theo tinh thần Nghị quyết số 60, ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh Phú Yên khóa VII, kỳ họp thứ 3, chủ trương đầu tư chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn các xã thuộc khu vực miền núi tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2017-2020. Tuyến đường giao thông nông thôn từ nhà ông Ngữ - nhà ông Hậu ở thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh, huyện Tuy An được đầu tư xây dựng với tổng mức dự toán 787.295.092 đồng (trong đó tỉnh và huyện hỗ trợ 488.143.244 đồng và nhân dân đóng góp 299.151.848 đồng).

Hồ sơ dự toán công trình có chiều dài 01km, tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp B, bê tông xi măng mặt đường mác 250, dày 18cm, rộng 03m. Công trình giao cho người dân thôn Quang Thuận tự kiểm tra, giám sát thi công. Bởi vậy, Tổ tự quản thôn Quang Thuận được thành lập do ông Phan Chí Linh - Trưởng thôn chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát thi công, vận động 54 hộ gia đình được hưởng lợi trên tuyến đường đóng góp kinh phí xây dựng.

Theo hồ sơ dự toán công trình, người dân đóng góp 299.151.848 đồng, thế nhưng, cán bộ thôn Quang Thuận thông báo đến người dân chỉ đóng góp số tiền 140.000.000 đồng, chia 54 hộ gia đình, mỗi hộ đóng 2.750.000 đồng. Người dân không thể tự thi công công trình, nên đề nghị ông Nguyễn Hùng Nam nhận thầu thi công tuyến đường với giá 140.000.000 đồng.

Đường mới làm chưa hoàn thành hết tuyến, chưa được nghiệm thu, bàn giao đã bong tróc lớp bê tông, lòi cát, sạn, gây bụi, ổ gà chi chít
Đường mới làm chưa hoàn thành hết tuyến, chưa được nghiệm thu, bàn giao đã bong tróc lớp bê tông, lòi cát, sạn, gây bụi, ổ gà chi chít

Khi nhà thầu thi công được 700m, người dân phát hiện công trình thi công kém chất lượng, tỉ lệ cát, sỏi, xi măng không đúng tiêu chuẩn quy định trong hồ sơ dự toán, dẫn đến đường mới làm chưa hoàn thành hết tuyến, chưa được nghiệm thu, bàn giao đã bong tróc lớp bê tông, lòi cát, sạn, gây bụi, ổ gà chi chít, khu vực đổ bê tông làm tạm bợ. Trước sự phản ánh gay gắt cùng với đơn kiến nghị của người dân thôn Quang Thuận, chính quyền địa phương yêu cầu nhà thầu thi công tuyến đường phải tạm dừng, chờ xử lý và 300m còn lại của tuyến đường chưa được thi công.    

Phản ánh đến PV Báo TN&MT, bà Nguyễn Thị Loan ở thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh bức xúc: Phần mặt đường rộng 3m, lớp bê tông dày 18cm, đá 1x2, mác 250, nhưng thực tế trong quá trình thi công, ông Nam không làm đúng theo hồ sơ dự toán. Quá trình trộn bê tông thi công phần nền đường này, ông Nam không tuân thủ quy trình xây dựng, mà sử dụng một hố sâu rồi dùng máy đào cho cát, đá, xi măng vào khuấy, chở đi thi công không theo tỉ lệ cấp phối quy định. Khi họp dân triển khai thông báo thi công tuyến đường, 54 hộ dân ở đây đều vui mừng, vì con đường đất cũ mùa mưa trơn trợt khiến cả người lẫn xe bị ngã, rất khổ sở. Nghe thông tin bê tông đường ai cũng ủng hộ đóng góp làm đường. Thế nhưng, lúc họp dân, Trưởng thôn không thông báo số tiền 299.151.848 đồng, chỉ nói đóng góp 140.000.000 đồng, nhà nước cho 180 triệu, 180 tấn xi măng, dân bỏ công ra làm thì không đóng tiền. Bà con không đủ nhân công mới mời ông Nam đứng ra nhận thầu công trình, ai ngờ Tổ giám sát và nhà thầu tự cắt giảm 50% đá ½ dẫn đến công trình kém chất lượng. Bây giờ, UBND xã lại cho rằng dân sai do không giám sát thi công và tiền đóng góp không đủ, nên công trình thi công không đúng theo hồ sơ dự toán.  

Hố trộn bê tông tạm bợ, trộn bê tông chủ yếu là cát và sỏi
Hố trộn bê tông tạm bợ, trộn bê tông chủ yếu là cát và sỏi

Làm việc với PV, ông Dương Văn Nam - Chủ tịch UBND xã An Lĩnh cho biết: Đây là công trình giao thông nông thôn do Nhà nước và nhân dân cùng làm theo Nghị quyết 60 của HĐND tỉnh, khi hoàn thành sẽ phục vụ việc giao thương, đi lại của người dân địa phương và vùng phụ cận. Công trình còn góp phần hoàn thiện tiêu chí hạ tầng, sớm đưa địa phương về đích nông thôn mới trong năm 2020. Tuy nhiên, trong quá trình thi công phát hiện ra nhiều sai sót, nên người dân không đồng tình và cho dừng thi công.

Ông Nam chia sẻ thêm: Qua phản ánh của người dân cho thấy công trình không đảm bảo chất lượng, nên chúng tôi đã xử lý bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phan Chí Linh - Trưởng thôn Quang Thuận vì buông lỏng giám sát công trình. Công trình do nhân dân tự tổ chức giám sát thi công, tự thu tiền đóng góp thuê mướn nhân công, nhưng mức đóng góp lại quá ít so với hồ sơ dự toán, bởi vậy công trình không đạt chất lượng. Trước mắt, yêu cầu nhà thầu thi công tạm dừng, chờ ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh. Công trình chưa hoàn thành, chưa bàn giao, nghiệm thu, mùa mưa đến gần không biết phải xử lý như thế nào? UBND xã đề nghị nhà thầu đổ chồng lên 14cm trên lớp bê tông đã thi công tại những đoạn kém chất lượng theo đúng dự toán thiết kế và tiếp tục thi công 300m đường còn lại, nhưng người dân không đồng ý với phương án này.  

300m đường đất còn lại chưa được bê tông xi măng thành ổ voi, lầy lội vào mùa mưa
300m đường đất còn lại chưa được bê tông xi măng thành ổ voi, lầy lội vào mùa mưa

Theo đơn kiến nghị của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến yêu cầu UBND huyện Tuy An kiểm tra, làm rõ và báo cáo cụ thể cho Sở Xây dựng. Đồng thời, trên cơ sở báo cáo của UBND huyện Tuy An, Sở Xây dựng kiểm tra lại chất lượng công trình tuyến đường trên theo phản ánh của công dân, kịp thời xử lý theo thẩm quyền, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh. Nếu xét thấy vượt thẩm quyền thì có văn bản đề xuất UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo giải quyết theo quy định pháp luật.

Qua câu chuyện trên thấy rằng, chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm đường giao thông nông thôn; nhân dân làm nhà nước hỗ trợ”, chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn, nhằm huy động sức dân tham gia, tận dụng tối đa nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện .đang được các cấp chính quyền địa phương tỉnh Phú Yên đặc biệt quan tâm. Song, không phải địa phương nào cũng triển khai có hiệu quả và phát huy tính ưu việt mà chủ trương đề ra.

Mỹ Bình