Điện Biên: Tuyến đường hơn 140 tỷ đồng luôn xuống cấp nghiêm trọng

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 14:23, 08/10/2019

(TN&MT) – Sau 2 lần điều chỉnh, bổ sung, tổng mức đầu tư xây dựng công trình đường từ ngã tư Bệnh viên Đa khoa tỉnh Điện Biên đến Ngã tư, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ, lên đến hơn 140 tỷ đồng. Với chiều dài toàn tuyến chỉ “vỏn vẹn” 2,9km, nhưng sau 8 năm xây dựng, tuyến đường này hiện vẫn chưa thể hoàn thành, nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng khiến người tham gia giao thông vô cùng bức xúc.

Dự án Đầu tư Xây dựng công trình Đường từ ngã ba Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đến Ngã tư xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt tại Quyết định số 1034/QĐ-UBND, ngày 13/10/2011. Dự án được giao UBND TP. Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư, với mục tiêu xây dựng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng phục vụ tái định cư, hoàn thiện mạng lưới giao thông gắn kết giữa khu tái định cư Noong Bua và các khu vực lân cận khác trên địa bàn thành phố. Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tạo điều kiện để khai thác có hiệu quả các tiền năng đất đai trong khu vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội và thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, đi lại của nhân dân.
 

Tuyến đường hơn 140 tỷ đồng do nguồn vốn của Nhà nước đầu tư không được như người dân mong đợi, nắng bụi, mưa thì lầy lội
Tuyến đường hơn 140 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn của Nhà nước nhưng người dân vẫn phải đi trên con đường lầy lội

Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 2,4km, điểm đầu tuyến tại nút N20 khu tái định cư (TĐC) Noong Bua và điểm cuối nằm tại Km2+406m nút T21 (ngã tư Tà Lèng). Công trình đầu tư theo tiêu chuẩn đường giao thông đô thị, tương đương đường cấp III với tổng mức đầu tư 48,5 tỷ đồng lấy từ nguồn vốn di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và các nguồn vốn khác theo chỉ tiêu kế hoạch vốn hàng năm của tỉnh này. Trong đó, chi phí xây dựng 31,8 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 35 hộ dân bị ảnh hưởng với chi phí 9 tỷ đồng, còn lại là chi phí khác. Đơn vị thi công công trình là Công ty CP Xây dựng Hà Nội, chi nhánh tại Điện Biên.

Theo kế hoạch, dự án sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng năm 2012. Tuy nhiên, ngày 10/12/2012, UBND TP. Điện Biên Phủ cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên có tờ trình điều chỉnh, bổ sung dự án thêm 0,5km, nâng tổng chiều dài toàn tuyến lên 2,9km, nguồn ngân sách bổ sung là 42,6 tỷ đồng, nên dự án được kéo dài đến hết năm 2013.

Do chưa thể hoàn thành tuyến đường theo kế hoạch, vì vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngày 31/12/2015, UBND tỉnh Điện Biên tiếp tục có Quyết định số 1579/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư xây dựng công trình Đường ngã ba Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến ngã tư Tà Lèng (bổ sung hạng mục tuyến từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường ngã ba Bệnh viện tỉnh đến ngã tư Tà Lèng), nâng tổng mức đầu tư dự án lên 141,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn 2 phải gia hạn thời gian hoàn thành dự án vì vướng trong công tác bồi thường GPMB (còn 5 hộ chưa bàn giao).
 

vv

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, thời gian thực hiện hoàn thành dự án đến hết năm 2015 của UBND tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên dự án chậm tiến độ và phải xin điều chỉnh, gia hạn thời gian hoàn thành đến hết năm 2017. Thế nhưng đến nay đã gần 2 năm trôi qua kể từ lần gia hạn hoàn thành cuối cùng, Dự án… vẫn thể chưa hoàn thành. Theo thống kê của Ban Quản lý Dự án TP. Điện Biên Phủ thì đến hết tháng 7/2019, khối lượng xây lắp công trình mới chỉ đạt 95,5%; tổng giá trị giải ngân đạt 141,647 tỷ đồng.

Mặc dù phải tốn thêm 42,6 tỷ đồng cho 0,5km đường bổ sung từ nút T21 đi Trung tâm xã Tà Lèng (nút D1), nhưng con đường đã không đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân địa phương. Theo nhiều người dân sở tại, tổng chiều dài con đường chỉ 2,9km và sử dụng hết hơn 141 tỷ, trong đó hơn 100 tỷ tiền xây lắp nhưng chất lượng công trình cho thấy "có vấn đề". Đường chưa hoàn thành đã xuất hiện hàng loạt ổ gà, ổ voi, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội... Để thuận tiện cho việc đi lại, người dân quanh khu vực phải chủ động san lấp vào những vị trí xuống cấp, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến đường này.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và môi trường liên quan đến việc chậm tiến độ và thực trạng xuống cấp tuyến đường này, ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc Ban quản lý dự án TP. Điện Biên Phủ cho biết: Hiện thành phố đang triển khai thực hiện các dự án trọng điểm khu vực phía Đông thành Phố bao gồm: Dự án đường (60m); Dự án Hạ tầng khung và Dự án đường Tà Lèng – Mường Phăng, mật độ phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng rất lớn, chính là nguyên nhân gây xuống cấp tuyến đường.
 

vv

Cũng theo ông Nguyễn Viết Sáng, tại điểm xuống cấp nghiêm trọng nhất thuộc vào Dự án Hạ tầng khung đường 60m, do cốt của tuyến đường này hiện được thiết kế thấp hơn cốt hạ tầng khung từ 80cm đến 1m nên không thoát được nước, gây ảnh hưởng xuống cấp mặt đường. UBND Thành Phố Điện Biên, Phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý dự án Thành Phố đã yêu cầu đơn vị thi công trong quá trình thi công các dự án phải khắc phục những điểm hư hỏng, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường này. Cùng với đó, yêu cầu đơn vị thi công Dự án Hạ tầng khung nâng cốt và khớp nối với tuyến đường ngã ba bệnh viện – Tà Lèng.

Được biết, Dự án đến nay chưa hoàn thành do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện tại, còn 2 hộ gia đình với diện tích khoảng 700m2. Chính vì vướng mắc mặt bằng nên đến nay Dự án vẫn đang dừng thi công, mặc dù thời gian hoàn thành đã hết.

Như vậy, theo nhận định của ông Nguyễn Viết Sáng, sự xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đường này là do mật độ phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng với trọng tải nặng lưu thông qua tuyến đường rất lớn. Tuy nhiên, không thể “đổ lỗi” hoàn toàn cho tần suất từ các phương tiện giao thông, bởi lẽ tuyến đường nào làm ra đơn vị khảo sát thiết kế, tư vấn giám sát đều phải tính toán đến hiệu quả của suất đầu tư và trọng tải xe lưu thông, đặc biệt đối với các tuyến đường vành đai, ngoại thành như tuyến đường Tà Lèng - Bệnh viện. Phải nhìn nhận khách quan rằng nếu tuyến đường không có vấn đề về chất lượng thì liệu có sự xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau một thời gian rất ngắn đưa vào sử dụng?

Để đảm bảo mỹ quan đường phố và an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Thiết nghĩ, tỉnh Điện Biên sớm có biện pháp cải tạo, sửa chữa tuyến đường này đáp ứng kỳ vọng của người dân. 

Chúng tôi tiếp tục thông tin vụ việc

Trần Hương - Hà Thuận