“Ăn” vào di sản
Xã hội - Ngày đăng : 10:08, 08/10/2019
Vào google gõ cụm từ “di sản bị xâm hại” ngay lập tức chúng ta có tới hơn 20 triệu kết quả với các từ ngữ biểu đạt tính chất không thể trầm trọng hơn: “kêu cứu“ - “xâm lấn” - “xâm hại” - “xẻ thịt” - "bóp nghẹt" - “bức tử” …
Ai cũng biết bảo tồn di sản chính là gìn giữ mối liên hệ giữa quá khứ và tương lai thông qua những “vật chứng” như các di tích, di vật,… thông qua ký ức lịch sử mà thế hệ trước di truyền cho thế hệ sau. Những “vật chứng” nếu thiếu đi cảm xúc của ký ức con người, chỉ là những kiến trúc những sự kiện vô hồn; nhưng ký ức con người cũng cần sự tồn tại của “vật chứng” để bám rễ vào đó tạo nên sức sống lan truyền giá trị và tình yêu đối với di sản văn hóa.
Còn nhớ hồi năm 2018, khi tham dự Hội nghị về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”.
Vì vậy, “tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là đánh mất bản sắc dân tộc”. Nói những điều này để thấy chúng ta rất tự hào và vinh dự được thừa hưởng những giá trị di sản của tự nhiên, tổ tiên để lại, các ngành và toàn xã hội phải có trách nhiệm rất lớn giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững các di sản đó.
Thế nhưng thời gian qua, ở đâu đó, chúng ta đau xót khi chứng kiến nhiều danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên, di tích, kể cả những di tích nổi tiếng, di tích đặc biệt cấp quốc gia đang bị xâm hại, bị làm cho biến dạng, mất dần hoặc đứng trước nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn. Môi trường sinh thái của các di sản, thắng cảnh bị đe dọa hàng ngày. Nếu mọi di sản - văn hóa, danh lam thắng cảnh đều bị làm cho biến dạng, méo mó, thoát khỏi môi trường sinh thái vốn có thì giá trị của nó cũng sẽ mất theo. Và nguy cơ biến mất khỏi bản đồ di tích lịch sử - văn hóa hoàn toàn có thể xảy ra.
Những ngày này, câu chuyện về những sai phạm của tòa nhà khách sạn, nhà hàng 7 tầng xây không phép nằm trên đèo Mã Pì Lèng một lần nữa cho thấy rõ sự thờ ơ, vô trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với công tác bảo tồn các di sản, thắng cảnh. Sự việc đang khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi: Do quy định pháp luật chưa đầy đủ hay chế tài chưa nghiêm? Hành lang pháp lý hiện nay đã đủ để bảo vệ các di sản trước sự xâm phạm, xâm lấn từ các công trình bên ngoài? Phải làm gì để nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư với công tác bảo tồn các di sản, thắng cảnh; cùng với đó là cân bằng việc giữ gìn thiên nhiên với phát triển du lịch, cải thiện kinh tế?
Vụ việc Mã Pì Lèng chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Đằng sau “sự xâm lấn” của các công trình du lịch và dịch vụ ở các địa phương xuất hiện một lỗ hổng lớn trong việc phân cấp, phân quyền cho địa phương và giám sát họ thực thi các quy hoạch về phát triển và sử dụng đất đai.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính hình thức “phạt cho tồn tại” như hiện nay là nguyên nhân dẫn đến việc “nhờn luật”, bất chấp các văn bản quản lý để vi phạm. Cùng với đó là sự thiếu giám sát, thiếu quyết liệt của các cơ quan quản lý khiến cho pháp luật chỉ tồn tại trên văn bản mà không đi vào thực tiễn cuộc sống. Đã đến lúc phải xem xét lại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm, gây tổn hại đến những di tích là vốn quý của quốc gia.
Nếu điều này không được thực hiện một cách nghiêm minh và quyết liệt của những người cầm cân nảy mực, trong tương lai sẽ còn không ít hình ảnh những di tích, danh lam thắng cảnh bị bạc đãi, xâm hại ở những nơi xa xôi khác với nỗi niềm chua xót và tiếc nuối hơn.