Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 13%
Môi trường - Ngày đăng : 15:07, 06/10/2019
Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, nhiều hệ thống xử lý công nghệ chưa phù hợp đã dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường, đe dọa đến môi sinh và trở thành thách thức lớn cho các đô thị ở Việt Nam.
Báo cáo của UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện thành phố có khoảng 5.735,44 km cống rãnh; 254,2 km mương, sông, kênh; 40.407 ga thu; 110.025 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính. Hiện nay thành phố đã có 6 nhà máy xử lý nước thải đưa vào hoạt động gồm: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long – Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ ngày đêm). Các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường.
UBND TP. Hà Nội cũng thừa nhận tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải còn kéo dài và số dự án cần thực hiện vẫn chưa đáp ứng được Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 30/12/2013 đề ra (còn 12 dự án cần được triển khai thực hiện). Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều khó khăn. Các công trình đầu mối, hạng mục ưu tiên đầu tư nhưng chưa được triển khai do vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước rất lớn, việc kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Nước thải đô thị cũng là vấn đề nhức nhối của TP. Hồ Chí Minh. Báo cáo của thành phố này cho biết, ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 1.579.000 m3/ngày đêm. Hiện thành phố đang vận hành 03 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất 302.000 m3/ngày đêm gồm: Bình Hưng giai đoạn 1 (công suất 141.000 m3/ ngày đêm), Bình Hưng Hòa (công suất 30.000 m3/ ngày đêm), Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày đêm).
Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại - dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn thành phố là 370.624 m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 21,2%). Hiện nay TP. Hồ Chí Minh tiếp tục huy động mọi nguồn lực triển khai các dự án nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung. Dự báo, trong điều kiện cuối năm 2020, nếu hoàn thành 03 nhà máy thì 80% lượng nước thải sinh hoạt đô thị của thành phố sẽ được thu gom, xử lý.
Những dữ liệu của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phần nào chỉ ra thực trạng xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam. Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: “Tính đến nay, cả nước có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên việc đấu nối, thu gom và xử lý nước thải còn gặp nhiều khó khăn nên tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt ở mức thấp, khoảng 13%”.
Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, mặc dù 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt và chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý. Bên cạnh đó, khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải nói chung còn thấp. Trong những năm tới, Việt Nam có nhu cầu vốn đầu tư rất cao, dự kiến cần tới 8,3 tỷ Đô la Mỹ để cung cấp dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 triệu dân đô thị vào năm 2025.
PGS. TS. Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (IESE) cho biết: “Thách thức lớn trong thoát nước đô thị là việc đấu nối các hộ gia đình vào mạng lưới thoát nước thành phố. Hầu hết các dự án thoát nước nguồn vốn ODA đều không có hợp phần này. Sau dự án, việc đầu tư của chính quyền đô thị hay cộng đồng cho việc đấu nối là rất khó thực hiện được. Vì thế, việc lựa chọn sơ đồ tổ chức thoát nước, công nghệ thu gom, xử lý nước thải, mô hình tổ chức quản lý vận hành, đấu nối hộ gia đình, đảm bảo bù đắp chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước … là các vấn đề cần lưu tâm trong xử lý nước thải đô thị. Tùy điều kiện cụ thể, chúng ta có thể áp dụng mô hình khác nhau nhưng mục đích chung vẫn là tính hiệu quả trong xử lý nước thải đô thị để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước”.
Chuyên gia này cho rằng, việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ chính sách pháp luật, nguồn vốn, công nghệ cho tới ý thức tự nguyện của người dân. Tuy nhiên nếu chúng ta có hướng đi phù hợp thì nó sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn. Ông cho biết:“Tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế trong thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải đang là một vấn đề lớn, thu hút quan tâm như một thị trường hấp dẫn. Làm chủ được vấn đề năng lượng trong thu gom, xử lý, tái sử dụng nước thải là những bước đầu tư chiến lược, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững”.