Hàm Yên (Tuyên Quang): Người dân vùng mỏ khốn khổ vì ô nhiễm môi trường

Tiếng dân - Ngày đăng : 11:47, 06/10/2019

(TN&MT) - Trong nhiều năm qua, hàng chục nghìn người dân các xã Đức Ninh, Hùng Đức, Thái Hòa, Thành Long…và bất cứ ai đi trên tuyến đường liên xã từ km 24, 27 đến 31 Quốc lộ 2 vào các xã nêu trên của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đều chứng kiến, hứng chịu và bức xúc trước tình trạng tuyến đường liên xã (hay còn gọi là đường huyện-đường do huyện quản lý) xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do xe chở gỗ, chở quặng quá khổ, quá tải phá hỏng đường. Bề mặt đường lổm chổm đá sỏi, nhan nhả ổ gà, ổ trâu, khi nắng thì bụi bẩn, khi mưa thì lầy lội, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội.
1
Một xe chở gỗ quá khổ đi trên đường huyện ĐH.02 từ xã Hùng Đức (Hàm Yên)  hướng ra Quốc lộ 2 cuốn theo bụi mù mịt.

Nhân dân các dân tộc và cử tri các xã Đức Ninh, Hùng Đức, Thái Hòa, Thành Long nhiều lần kiến nghị đến chính quyền các cấp, ngành chức năng liên quan, đại biểu HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang về tình trạng đường xuống cấp rất cần được đầu tư, nâng cấp sửa chữa. T
uy nhiên, nhiều năm qua, đường nát vẫn hoàn nát, ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Dễ thấy như tuyến đường xã từ Hùng Đức A-Hùng Đức B (tuyến đường lâm nghiệp cũ từ thôn Cây Thông đi thôn Thanh Vân, xã Hùng Đức) có chiều dài khoảng 4km. Hiện mặt đường đất và đá sỏi cấp phối chưa được đầu tư nâng cấp mặt đường bê tông, xi măng, láng nhựa. Trên tuyến, nhiều vị trí mặt đường bị hư hỏng, ổ trâu, ổ gà sình lầy, đi lại rất khó khăn nhất là vào mùa mưa.

2
Người dân chở chè tươi đi trên đường liên xã Thái Hòa-Thành Long nhiều ổ trâu, ổ gà nguy hiểm.

Tuyến đường huyện từ xã Đức Ninh-xã Hùng Đức(ĐH.02) có chiều dài 14km cũng tương tự. Hiện tuyến đường này dài 11km, mặt đường láng nhựa. Còn 3km cuối tuyến là đường đất rất khó đi. Trong thời gian khai thác sử dụng, lượng xe tải có trọng tải lớn 20-30 tấn lưu thông nhiều, kết hợp bị ảnh hưởng của các đợt mưa bão nên trên tuyến nhiều vị trí mặt đường bị hư hỏng nặng. Nhân dân đi lại rất khó khăn.
Đi tìm hiểu thêm thấy, các tuyến đường từ Quốc lộ 2 đến các thôn, xóm của xã Thái Hòa, xã Thành Long dẫn sâu vào vùng nhiều mỏ khoáng sản cũng nát be, nát bét. Đường nhiều khúc cua quẹo, khuất tầm nhìn. Đường nhỏ hẹp phải gồng mình cõng xe tải chở quặng lặc lè đè nát mặt đường. Ổ voi, ổ gà xuất hiện nhan nhản. Không những thế, trời nắng, khô hanh, m
ỗi khi có ô tô chạy qua là cuốn bụi bay mù mịt; khi trời mưa thì sình lầy, đi lại rất cực nhọc. Vậy nhưng mỗi xã  đều có trung bình 9 đến 10 nghìn người dân sinh sống, thường xuyên phải đi nhiều lượt trên những con đường đầy ô nhiễm, đầy nguy hiểm này. Vì họ chẳng có con đường nào khác để đến được trung tâm xã, trung tâm huyện và lên tỉnh công tác, học hành và làm ăn buôn bán…

Từ chợ Đức Ninh đến dãy phố có nhiều người dân kinh doanh buôn bán nhộn nhịp trên tuyến đường dẫn vào trung tâm xã Hùng Đức đều có chung một điểm lạ. Điểm lạ ấy là cửa hàng nào cũng phải quây kín bạt để hạn chế bụi bẩn. Ông Phạm Vũ Hoàng, ông Tạ Đăng Khoa ở thôn Lập Thành, xã Đức Ninh có nhà ở ngay mặt đường bức xúc nói: Trong những ngày hanh khô này xe quặng, xe gỗ chạy nhiều bụi kinh khủng. Gia đình bán quán mà suốt ngày phải che đậy. Bánh kẹo, hoa quả, thịt thà, đồ ăn, thức uống đều phủ bụi. Người dân buôn bán nhỏ cũng chẳng được yên vì bụi đường. Quán vắng, khách chẳng có cũng vì bụi đường, xe quặng gây nên. Chúng tôi đề nghị chủ các mỏ thực hiện tưới nước mặt đường để hạn chế bụi, để đỡ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, đi lại của người dân và học sinh trên địa bàn nhưng cũng chẳng ăn thua. Không chỉ bụi là nỗi lo lắng của người dân ở các xã khó khăn này. Nỗi lo sợ hơn của đồng bào dân tộc nơi đây còn là tai nạn giao thông luôn rình rập tính mạng học sinh, con cháu, người thân của họ. Trên các tuyến đường chính này có rất nhiều trường học.
Chị Trần Thị Yến ở thôn núi Guột, xã Đức Ninh và anh Bàn Văn Nguyên, dân tộc Dao ở thôn Đèo Tế, xã Hùng Đức, anh Lý Văn Tăng ở xã Thái Hòa đã bày tỏ nỗi lo ngại: Xe chở quặng đầy ứ ự chạy trên đường hẹp vào giờ cao điểm, lúc tan học, cha mẹ chỉ lo các con bị quặng rơi vào đầu, xe đẹn lên người. Tai nạn nặng, nhẹ thường hay xảy ra trên những quãng đường xấu. Xe chở quặng ì ầm chạy từ sáng sớm đến tối đêm mới im. Cuộc sống người dân bị xáo trộn, ảnh hưởng nhiều.

3
Đường nhỏ hẹp phải gồng mình cõng xe tải chở hàng nặng lặc lè đè nát mặt đường và cuốn theo bụi mờ. Ảnh chụp lúc 18h ngày 1/10/2019 trên đường liên xã Thái Hòa-Thành Long.

 

6
Nhiều học sinh tiểu học đi lại trên tuyến đường huyện đã và đang xuống cấp nghiêm trọng ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Trao đổi vấn đề này với ông chủ tịch UBND xã Thái Hòa Phạm Đức Hùng thì được biết: Đường xuống cấp thì ai cũng biết. Thôn biết, xã biết nỗi khổ của dân nhưng thẩm quyền giải quyết, trách nhiệm xử lý không thuộc của xã. Xã chỉ biết báo cáo cấp trên thôi. Khó lắm. Bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch UBND xã Thành Long cũng cho biết thêm: Đường vào xã đa số tuyến là đường nhỏ hẹp, là đường đất có cốt nền yếu. Tỉnh, huyện đã rót vốn đầu tư sửa chữa đường đến giờ mặt đường được cải thiện hơn. Nhưng xã có mỏ khoáng sản nên xe tải ra vào chở quặng thì khó ngăn chặn được. Doanh nghiệp cũng giúp xã sửa đường cho dân đi nhưng chẳng được bao lâu thì đường lại hỏng.

5
Nhiều tràn qua đường xuống cấp nhưng chưa được cải tạo nâng cấp xây dựng trên tuyến đường huyện qua các xã ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.


Đem nỗi khổ sở của hàng chục nghìn người dân về đường xá xuống cấp ở các xã trên để phản ánh đến lãnh đạo huyện Hàm Yên, chúng tôi đã nhận được câu trả lời ngắn gọn của ông Trịnh Quốc Sáng, Chánh văn phòng UBND huyện Hàm Yên, người được chủ tịch UBND huyện ủy quyền phát ngôn với báo chí: "Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến phản ánh của các anh. Huyện nghèo, kinh phí sửa chữa đường hạn hẹp. Chúng tôi sẽ  xem xét rồi cho người xuống xã kiểm tra xem thế nào. Cảm ơn các anh".

Qua thâm nhập thực tế, phát hiện một điều đặc biệt “lạ” nữa là những tuyến đường huyện quản lý nêu trên đều thuộc loại đường cấp 5,6 miền núi. Trên Quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn xã Thái Hòa có trạm chốt kiểm soát trọng tải của Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang trấn giữ. Huyện có công an huyện. Xã có công an xã. Vậy mà rất nhiều xe chở quặng sắt, cao lanh, gỗ… cồng kềnh quá khổ, quá tải né chốt kiểm soát, phá nát đường huyện lại dễ dàng lọt khe kể cũng lạ? 

Thiết nghĩ,  các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cần quan tâm cấp kinh phí cải tạo, nâng cấp mở rộng đường giao thông giúp nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn và có điều kiện để phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời chính quyền các cấp cần có biện pháp mạnh xử lý nghiêm với các xe tải chở quặng vi phạm pháp luật, phá hoại đường xá của dân...

Đức Nam