Chất lượng không khí suy giảm – Cẩn trọng với “sát thủ” vô hình: Ô nhiễm có thể còn kéo dài
Môi trường - Ngày đăng : 10:56, 03/10/2019
Ông Hoàng Dương Tùng cho rằng, Hà Nội đang trong khoảng thời gian giao mùa từ nóng sang lạnh nên xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Ban ngày có nắng, đêm lại lặng gió khiến tỷ lệ bụi vốn đã cao do các phương tiện giao thông, công trình xây dựng thải ra không khuếch tán được ra khỏi khu vực trung tâm. Phải đợi khi nào có gió mùa đông bắc mới làm tan được khối không khí ô nhiễm đang tích tụ ở tầng thấp hoặc khi có một trận mưa dông diện rộng mới có thể cải thiện được chất lượng không khí hiện nay.
Ngoài ra, không khí hà nội sẽ ô nhiễm hơn bởi đây đang là mùa đốt rơm rạ của các hộ dân ở ngoại thành. Theo ghi nhận của phóng viên dọc tỉnh lộ 131 đến xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn). Hai bên đường là cánh đồng lúa được người dân gặt xong cách đây hơn nửa tháng. Nhiều ngày qua, người dân đốt rơm rạ để lấy tro tạo ra những cột khói trắng cuồn cuộn cao hàng chục mét bốc lên không trung. Người dân nơi đây cho biết, thời điểm cuối tháng 9 âm lịch sẽ là lúc cao điểm của đốt rơm rạ.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Khoa Khoa học môi trường và Bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, miền Bắc đang vào mùa lá khô, khắp nơi rơm rạ, rác thải đều gom và đốt cùng nhau khiến lượng khí thải ra môi trường lớn hơn bình thường. Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao chỉ số chất lượng không khí AQI đo được ở các khu vực trên cao đột biến. Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cũng lý giải, việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó, sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết, có thể tạo ra Aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đặc biệt, tại nước ta, đốt rơm rạ theo mùa còn gây ra hiện tượng sương mù quang hóa. Đây là dạng ô nhiễm đặc biệt do sự tương tác giữa các bức xạ cực tím của mặt trời và khí thải ô tô, xe máy, khói bụi… Điều này trực tiếp làm tăng nguy cơ hiệu ứng nhà kính, khiến Trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu.
Để hạn chế tình trạng trên, hiện nay, Hà Nội đang triển khai các biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí như lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng máy quét, hút bụi; xử lý ô nhiễm ao hồ nội ngoại thành; triển khai Chiến dịch Cánh đồng không đốt rơm rạ...