Điện Biên: Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ đốt rơm, rạ
Tin tức - Ngày đăng : 21:19, 02/10/2019
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, có đến hơn 90% diện tích lúa vụ Hè Thu đã được thu hoạch. Sau khi thu hoạch, người dân thường đốt rơm, rạ ngay tại cánh đồng, bên đường... điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Theo ghi nhận của PV Báo TN&MT vào chiều ngày 2/10, ngay dọc đường Quốc lộ 279 và các tuyến đường nhánh vào các xã thuộc lòng chảo cánh đồng Mường Thanh, tình trạng người dân đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch rất nhiều, gây ra làn khói mù mịt, bao phủ khắp cánh đồng, đường đi.
Tình trạng người dân đốt rơm, rạ đã diễn từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng này càng diễn ra phổ biến vì lý do sử dụng máy gặt lúa trong quá trình thu hoạch khiến rơm, rạ được thải ngay ra ngoài đồng, khó thu gom. Chỉ một số hộ dân cần rơm cho chăn nuôi mới thu gom rơm ngoài đồng về, còn đa phần người dân “xử lý” bằng biện pháp đốt rơm, rạ ngay tại ruộng.
Anh Cà Văn Biên, người dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Nếu để rơm, rạ trên cánh đồng sau khi thu hoạch mà không đốt thì vụ sau rất khó khăn khi cày, bừa.
Khói sinh ra từ quá trình đốt rơm, rạ ngoài trời không chỉ gây ra mùi mà còn ảnh hưởng ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt trên các đoạn đường giao thông. Khi đốt cháy rơm, rạ sẽ sản sinh ra lượng khí CO2, CO, NO2 vào môi trường, gây biến đổi khí hậu và sinh ra các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Vào những ngày trời mưa ẩm, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí gây mùi khó chịu âm ỉ dài ngày.
Không những gây hại cho sức khỏe con người, lửa từ các đống rơm, rạ còn có thể dẫn đến nguy cơ gây cháy ruộng (chưa thu hoạch), cháy nhà, gây ra tai nạn giao thông...
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ tình trạng đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch, các cấp, ngành tỉnh Điện Biên cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người dân cách thức xử lý rơm, rạ hoặc hướng dẫn người dân tận dụng rơm, rạ trong phát triển kinh tế.