Vợ lính Nhà giàn: Hãnh diện vì có chồng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:30, 02/10/2019
Lon gạo quê em giành đợi anh về
Chúng tôi đến ấp Bến Đình xã Phú Đông huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) để trao quyết định “Tặng Nhà đồng đội” cho chị Nguyễn Thị Hồng, là vợ của Trung úy chuyên nghiệp Lê Trần Phương, nhân viên cơ yếu hiện công tác tại Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Căn nhà đồng đội thơm mùi vôi mới chừng 24 mét vuông hôm nay giường như chật chội ấm áp bởi sự có mặt của Lãnh đạo chính quyền địa phương, Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và các chú bộ đội Hải quân Nhà giàn DK1. Nhận quyết định “Tặng Nhà đồng đội” của Bộ Tư lệnh Vùng 2 trao tặng, chị Nguyễn Thị Hồng mắt đỏ hoe xúc động chẳng nói nên lời. Những giọt nước mắt hạnh phúc trong căn nhà mới cứ lăn dài trên má. Chen lẫn niềm vui, xúc động, chị Hồng nghĩ về chồng đang công tác ngoài Nhà giàn ngoài khơi xa.
Chị Hồng kể, quê chị - một miền đất trung du nghèo ở Hà Tĩnh. Năm 2005, chị theo bạn vào làm công nhân dầy da khu công nghiệp Nhơn Trạch Đồng Nai rồi tình cờ gặp Phương trong một lần giao lưu kết nghĩa. Khi ấy Phương công tác ở đơn vị Căn Cứ 696 Hải quân. Lương “ba cọc ba đồng” của 2 vợ chồng không đủ sinh hoạt hằng ngày, ước mơ có ngôi nhà mới để che nắng che mưa chỉ là mơ ước. Nhờ nội ngoại 2 bên giúp đỡ ít nhiều, anh chị mưa mảnh đất 80 m2 sình lầy, cỏ hoang gần bãi rác ở ấp Bến Đình, dựng tạm chiếc chòi lá để mẹ con có chỗ chui ra chui vào. Ngày anh đi nhà giàn DK1, chị Hồng động viên chồng: “Nhiệm vụ của quân đội giao là quan trọng, anh cứ đi đi, mẹ con em ở nhà sẽ ổn. Bên cạnh mình còn có hàng xóm, bạn bè và đồng đội”. Đứa con trai chưa đầy tuổi cứ trân trân nhìn bố. Ghé má mình, Phương bảo con trai “Thơm bố cái nào, bố đi xa lắm, năm sau mới về”. Cu con thơm má bố, còn chị Hồng dấu giọt nước mắt bằng cách gục đầu vào vai áo chồng. Họ chia tay trong hoàn cảnh nhớ thương ấy.
Chồng đi Nhà giàn DK1, chị Hồng gửi con nhà trẻ tất bật với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền. 6h đạp xe vượt gần chục cây số đến xí nghiệp dầy da, 6 giờ tối trở về, ghé bên đường mua quả trứng vịt, về nhà nhóm lửa nấu cơm. Rau muống mẹ ăn, miếng trứng chiên chị giành cho con. Nhớ lại những ngày gian khó, chị Hồng nghẹn ngào “Thời gian anh ấy đi Nhà giàn DK1, mẹ con em ở nhà khổ lắm. Nội ngoại ở xa đều nghèo khổ, lúc con ốm em chẳng biết kêu ai được. Nhiều đêm mưa tầm tã, mẹ con ôm nhau co ro và thấy cô đơn. Những lúc như thế lại thấy thương anh ấy, vì ngoài biển giông bão bất thường. Em nghĩ ở đất liền khó khăn thiếu thốn cũng chẳng thấm gì so với các anh ở Nhà giàn. Những lúc khó khăn nhất, em lại nhớ đến buổi chia tay, thế là vượt qua. Nếu nói vợ lính Nhà giàn hiện nay không thiệt thòi là không đúng, nhưng em lại thấy luôn tự hào và kiêu hãnh. Bù lại thiệt thòi sau hơn 200 ngày xa cách, là tình yêu của anh ấy giành cho mẹ con em. Em nghĩ thế là đủ rồi”.
Chị Hồng khoe với chúng tôi, “Biết được đơn vị tặng cho căn Nhà đồng đội, mẹ em gửi 5 ký gạo nếp từ quê vào làm quà cho thằng cu tí. Anh ấy đi biển rồi, mẹ con em ở nhà ăn già chả được. Em để giành khi anh ấy về ăn luôn”.
Nữ quân nhân “bốn trong một”
Trong hơn 100 nữ quân nhân là vợ của các chiến sĩ Nhà giàn DK1 đang làm nhiệm vụ ở Lữ đoàn 171, Hải đội 811, 812, Căn Cứ 696, Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Minh hiện đang là tiểu đội trưởng tiểu đội VHX ở Lữ đoàn 171- vợ của Thiếu tá chuyên nghiệp Lê Hữu Toàn là một điển hình về người phụ nữ “bốn trong một”, vừa làm mẹ, làm cha, vừa làm chủ nhà, chủ hội.
Cưới nhau 18 năm, nhưng thời gian ở bên chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh Toàn liên tục công tác ngoài Nhà giàn DK1 nên mọi công việc gia đình đều một tay chị lo toan gánh vác. Chị Minh chia sẻ: “Vợ lính bao giờ cũng thiệt thòi. Ngày lễ, tết, hoặc tối thứ bảy, nhìn gia đình họ vợ chồng con cái chở nhau trên xe máy đi chơi còn mình thì vò võ ở nhà tủi thân lắm. Công việc cơ quan luôn bận rộn. Trước khi đi làm cắm sẵn nồi cơm, 11 giờ 30 về chỉ kịp cho con ăn, dọn dẹp là đến giờ làm chiều. Con hàng xóm có điều kiện khá giả được bộ mẹ đón đưa, còn con em thì chủ yếu là tự đi học, tự về. Tiếng là ở thành phố, nhưng chẳng bao giờ có điều kiện đưa con đi tắm biển. Đồng lương ba cọc ba đồng bó hẹp, tằn tiện lắm mới đủ sống và đóng học cho con”.
Trong buổi giao lưu điển hình tiên tiến “Phụ nữ Hải quân khu vực phía Nam”, tất cả chúng tôi không kìm được xúc động, khi chị Minh kể câu chuyện “bố vắng nhà”. Lần đó, con trai Lê Hồng Thuận đi chơi bên hàng xóm về hỏi mẹ , “mẹ ơi, sao nhà mình không có bố?”. Ôm con vào lòng, nuốt giọt nước mắt vào trong “Có chứ. Bố con đi xa, xa lắm. Sẽ về”. Chị lấy ảnh cưới của mình cho con xem để con làm quen với bố. Cả hội trường như nín thở, im lặng. Chị Minh đọc bài thơ chị đã viết cho chồng: Chẳng bao giờ anh hiểu hết được đâu/ nỗi vất vả của người mẹ vừa làm cha, vừa làm chủ nhà, chủ hội/ của người lính thông tin trực ca sớm tối/ của những đứa con chỉ biết học biết chơi…
Có nhiều hôm trực đêm trong đơn vị, con đành phải đề ở nhà ngủ một mình. Anh Toàn hiện công tác ở Nhà giàn DK1/21. Qua điện thoại, anh Toàn cho biết “gần tặng hoa, xa tin nhắn” khi tôi hỏi “20/10 năm nay anh tặng vợ quà gì”? Nói về cuộc sống hiện tại, chị Minh chia sẻ: “Những lúc nhớ chồng, em và anh ấy “chát” với nhau qua máy I-Com sóng cực ngắn. Bây giờ thông tin thuận lợi, vợ chồng nghe được tiếng của nhau, song em vẫn thấy cô đơn mỗi lúc đêm về. Hai con em luôn thiếu vắng anh ấy. Mỗi lúc chúng hỏi bố sao đi biển mãi chẳng về, em bảo, “Yên tâm bố về sẽ có cá kìm khô cho con, nó lại hỏi, cá kìm khô là gì hở mẹ, lúc đó em chỉ muốn khóc”.
Mùa tuyển quân
Tiếp xúc với những người vợ lính nhà giàn DK1, chúng tôi mới “vỡ lẽ” 2 chữ “tuyển quân”. Những câu chuyện “tuyển quân” được các chiến sĩ nhà giàn truyền nhau như một mách bảo đầy kinh nghiệm. Trong nhiều chị đi “tuyển quân” nhưng không phải ai cũng “thuận buồm xuôi gió”.
Câu chuyện tuyển quân của chị Nguyễn Thị Chiến, vợ của Thiếu tá Bùi Văn Dong, y sĩ nhà giàn DK1/6 là một thiệt thòi và đáng thương. 18 năm qua, căn nhà thuê của vợ chồng chị chưa đầy 15m2, chỉ đủ kê chiếc giường và bàn bếp, vậy mà cứ rộng thùng thình vì luôn vắng bóng chồng. Ngày đêm chị lủi thủi một mình, đêm về làm bạn với chiếc giường cũ kỹ. Chị Chiến nghẹn ngào nói: “Em vào đây đã 18 năm. Chỉ mong có thêm đứa con nữa. Anh Dong đã nhiều lần về mà mãi chưa được. Một mình ở đây buồn lắm”. Chị Chiến khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi nén chặt lâu ngày hôm nay mới có dịp trào ra.
Tôi xúc động khi đọc được bài thơ chị viết gửi tặng chồng những ngày mới cưới: “Chỉ bên em ít ngày rồi anh lại đi xa. Em trải dài nỗi nhớ theo tháng năm chờ đợi. Bạn bè em ai cũng bảo yêu lính là dại khờ nông nổi. Bởi gia tài có gì hơn ngoài chiếc ba lô…”.