Thủ tướng: Không để vấn đề gây bức xúc mà không xử lý
Trong nước - Ngày đăng : 17:28, 02/10/2019
Phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019 vào chiều nay, 2/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có giải pháp căn cơ, đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí…
Tại phiên họp, các ý kiến cho rằng, nhiều giải pháp Chính phủ, Thủ tướng đưa ra phù hợp, sát thực tế để phát triển, với 40 hội nghị tầm quốc gia đã được tổ chức trong 9 tháng qua.
Tổng hợp các ý kiến phát biểu, Thủ tướng cho rằng, đều có cùng nhận định, tình hình kinh tế - xã hội nổi lên nhiều điểm sáng đáng mừng gồm tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất 9 năm qua. Từ phía cung, tăng trưởng có sự đóng góp lớn của khu vực công nghiệp-xây dựng với mức tăng 9,56%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, động lực chính của tăng trưởng.
Về phía cầu, xuất khẩu tăng khá, xuất siêu đạt cao nhất, 5,9 tỷ USD. Sức mua đạt khá. Đầu tư FDI và tư nhân đạt kết quả rất tích cực, “chúng ta vui mừng là tư nhân Việt Nam có bước phát triển rất tốt”. “Tôi đi dự một số hội nghị xúc tiến đầu tư ở các địa phương, họ chuẩn bị công phu, nhiều dự án đã đi vào hoạt động tốt, từ Bình Thuận, Kiên Giang và gần đây là Lạng Sơn, có 105.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào đây”, Thủ tướng nói. Điều đặc biệt năm nay, giải ngân vốn FDI tăng trưởng khá, 14,22 tỷ USD, tăng gần 7,5%. Dòng vốn đầu tư gián tiếp rất quan trọng với việc nhà đầu tư ngoại mua ròng khoảng 1,7 tỷ USD trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới có nhiều biến động, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Các lĩnh vực xã hội chuyển biến tích cực.
Thủ tướng cũng lưu ý một số rủi ro, thách thức, tồn tại. Từ bên ngoài, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn phức tạp, khó lường; sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của cả thế giới, rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Còn vấn đề nội tại, giải ngân vốn đầu tư công chưa có chuyển biến. Nông nghiệp gặp khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Thể chế phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ chậm được ban hành. Một số vấn đề xã hội gây bức xúc thời gian qua, nhất là xảy ra các vụ án giết người dã man, tai nạn giao thông nghiêm trọng, dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, tín dụng đen, ô nhiễm môi trường, úng lụt…
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có giải pháp căn cơ, đồng bộ xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, sớm báo cáo Thủ tướng, “không để vấn đề bức xúc như vậy, người dân kêu mà không xử lý”.
Đối với những tháng còn lại của năm 2019, Thủ tướng nêu rõ quan điểm điều hành là Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể, khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đề ra. Theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời. Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có vấn đề giải ngân, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Thủ tướng đề nghị đánh giá đầy đủ tác động của xung đột thương mại giữa các nước lớn đối với nước ta hơn nữa, tác động của thị trường tài chính quốc tế đối với kinh tế Việt Nam, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp, các giải pháp đa dạng hóa thị trường, khai thác tốt hơn các FTA đã ký kết, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.
Bám sát nghị quyết của Chính phủ, các chỉ thị của Thủ tướng để triển khai công việc sát sao hơn, Thủ tướng yêu cầu. Cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh. “Lần này đánh giá thi đua, phải xem xét môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương. Tại sao các địa phương gần nhau mà có anh phát triển tốt, có anh không phát triển dự án, công trình nào”. Các bộ, ngành chức năng có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài hay Nghị quyết về cách mạng 4.0.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, sớm có biện pháp tháo gỡ vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 42 để báo cáo Quốc hội.
“Các đồng chí cần khẩn trương hoàn thành rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ đề ra”, Thủ tướng nói. “Đừng giảm hình thức mà phải giảm thực chất, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn”. VPCP thống kê, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng thể chế, đặc biệt là các Nghị định, báo cáo Thủ tướng, “bây giờ còn thiếu bao nhiêu, những bộ, ngành nào còn thiếu”.
Các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu các vấn nạn gây bức xúc xã hội, đặc biệt những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, vụ hỏa hoạn ở nhiều nơi, cần công khai thông tin và nhắc nhở người dân về các biện pháp an toàn kịp thời hơn.
Tại phiên họp, Thủ tướng nhất trí chủ trương thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.