Tràng An - Ninh Bình: Gia tăng lượt khách, giảm tác động lên Di sản
Xã hội - Ngày đăng : 15:17, 02/10/2019
Quần thể danh thắng Tràng An hiện có 52 di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh và 33 di tích khảo cổ học nằm trong các hang động, mái đá.
Theo ông Bùi Văn Mạnh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, trong vòng 5 năm qua, số lượt khách trong nước tăng bình quân 9,3%/năm, khách quốc tế tăng bình quân 12,3%/năm. Số lượng khách tham quan không ngừng gia tăng qua các năm và đây cũng là áp lực không nhỏ tác động đến xã hội và môi trường. Tuy nhiên, đến nay Di sản Tràng An vẫn không hề có tác động đáng kể nào đến môi trường hay xã hội ở thời điểm hiện tại.
Đối với công tác quản lý môi trường và cảnh quan: Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng an thành lập các tổ công tác thường xuyên tuần tra, giám sát, kịp thời phát hiện xử lý và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo tồn khu Di sản. Hệ thống các hạng động, núi đá, rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt, các hành động chặt cây làm củi, săn bắt động vật hoang dã, khai thác đá hoàn toàn được chấm dứt nhiều năm qua. Các yếu tố gây ô nhiễm môi trường như nước thải, rác thải… xuất phát trong các hoạt động du lịch và trong sinh hoạt cơ bản được xử lý triệt để. Hệ sinh thái ngày càng phát triển mạnh mẽ, các loài chim, cò, khỉ tăng lên về số lượng đàn và số loài.
Đối với công tác quản lý các di tích lịch sử văn hoá, di tích khảo cổ: Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác khai thác, bảo tồn, các hoạt động tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích lịch sử văn hoá, di tích khảo cổ học.
Đối với các di tích khảo cổ học sau khi thám sát khai quật, Ban Quản lý thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và lấp lại toàn bộ để đảm bảo không để xáo trộn các tầng văn hoá, xây dựng hàng rào bảo vệ di tích, cắm biển báo, biển chỉ dẫn, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ các di tích khảo cổ học nằm rải rác trong khu dân cư thuộc cả vùng lõi và vùng đệm của Di sản. Hiện, Ban Quản lý phối hợp với Viện Khảo cổ Việt Nam thiết kế gian trưng bày, giới thiệu về các giá trị văn hoá nhằm tái hiện lại câu chuyện về lịch sử chiếm cư và cách thích ứng của con người nơi đây trước những biến động của môi trường.
Đối với các di tích lịch sử văn hoá, Sở Du lịch Ninh Bình thường xuyên phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh công tác bảo tồn, bảo vệ các hiện vật, phòng chống cháy nổ, chống xuống cấp do thời tiết, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, làm sai lệch các giá trị văn hoá của di tích. Khai thác có hiệu quả để phát huy các giá trị văn hoá truyền thống phục vụ tín ngưỡng cộng đồng, thoả mãn nhu cầu tâm linh của người dân và du khách nói riêng mà đảm bảo lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc nói chung.
Bà Nao Yahashi – Chuyên gia chương trình Di sản, phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Trung tâm Di sản thế giới đánh giá cao về công tác quản lý, bảo tồn di sản và các chính sách phát triển bền vững tại Di sản Tràng An của Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự phối hợp giữa các Sở, ngành, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn Di sản trong công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch bền vững qua các năm ngày một chặt chẽ hơn.