Thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên): Người dân bức xúc vì dự án chậm tiến độ

Tiếng dân - Ngày đăng : 05:09, 02/10/2019

(TN&MT)- Cách đây 3 năm, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định số 3305/QĐ-UB về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công từ Quốc lộ 3 đến đê sông Công đoạn K4+900 thuộc thôn Thu Lỗ. Người dân xã Trung Thành sống ven đê sông Công vui mừng lắm. Thế nhưng dự án đến nay vẫn “nằm ì” ra đấy. Đường cũ thì nhỏ hẹp, bụi bặm,  xuống cấp bởi xe tải quần đảo hàng ngày. Mưa lũ về khiến nỗi lo ngại của nhân dân nơi đây đã chuyển thành nỗi bức xúc khó giải tỏa.

Đường đê xuống cấp

Hàng chục năm nay, người dân các thôn Thu Lỗ, Cẩm Trà, Xuân Vinh…của xã Trung Thành và xóm Thiện Thành, Đoàn Kết (xã Thuận Thành) phải đi lại trên đường đê nhỏ hẹp. Mấy năm nay kinh tế phát triển, 8 doanh nghiệp đóng trên địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng khá sôi động. Đường đê nhỏ hẹp, xe tải lớn bé ra vào khiến cho mặt đường xuống cấp nghiêm trọng. Nắng thì bụi, mưa thì lầy, ổ trâu, ổ gà như bẫy người và xe rất nguy hiểm. Không những thế xe tải phá đường đê, uy hiếp trực tiếp đê bao chống lũ sông Công trong mùa mưa bão.

1
Đường đê sông Công nhỏ hẹp, xe tải lớn bé ra vào khiến cho mặt đường xuống cấp nghiêm trọng.

Người dân nơi đây rất lo lắng. Vì họ thấy rõ mối đe dọa từ thiên tai, lũ bão và vì đê yếu, đường thoát hiểm quanh co, nhỏ hẹp…Người dân đã nhiều lần gửi kiến nghị lên cấp trên bằng ý kiến cử tri nhưng xem ra hiệu lực không cao. Ông Phạm Đức Liên, Bí thư Chi bộ thôn Thu Lỗ, xã Trung Thành đã lộ rõ nỗi lo lắng nói: Đê sông Công liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân nhiều thôn, xóm phía nam xã Trung Thành, xã Thuận Thành. Đường đê dẫn ra trung tâm xã, ra Quốc lộ 3, người dân phải đi vòng vèo rất xa. Đặc biệt phải đi qua một phần doanh trại của Sư đoàn 312 rất bất tiện.  Mùa mưa bão, lũ về bất ngờ, nếu đê có sự cố thì các thôn sẽ như một ốc đảo, người dân sẽ không có đường thoát thân, rất nguy hiểm.

3
Công trình đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công từ Quốc lộ 3 đến đê sông Công đoạn K4+900 thuộc thôn Thu Lỗ mới đổ đất được 270m chạy ra cánh đồng rồi nằm im bất động lâu nay.

Dân mong đường êm thuận

Nhằm bảo đảm an toàn cho đê sông Công, phục vụ cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân trong mùa mưa lũ, ngày 30-10-2017, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3305/QĐ-UB về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công từ Quốc lộ 3 đến đê sông Công đoạn K4+900 thuộc thôn Thu Lỗ. Theo báo cáo kinh tế kỹ thuật này, tuyến chính được xây dựng dài hơn 1,5 km từ Quốc lộ 3 qua cánh đồng các thôn Đoàn Kết, Thiện Thành vào thôn Thu Lỗ, với nền đường rộng 9 m, bề rộng mặt đường rộng 7 m, đổ bê tông xi măng dày 25 cm; hai tuyến nhánh dài hơn 600 m, nền đường rộng 5 m, mặt đường rộng 3,5 m, đổ bê tông dày 18 cm, tổng mức đầu tư là 15 tỷ đồng. UBND tỉnh giao UBND thị xã Phổ Yên chịu trách nhiệm tổ chức và chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Giữa năm 2018, tuyến đường được khởi công rầm rộ, các cơ quan chức năng tuyên bố sẽ hoàn thành việc xây dựng sau sáu tháng nên nhân dân rất vui mừng, mặc dù chưa được bồi thường nhưng nhiều hộ dân không cấy lúa vụ mùa năm 2018 để nhường đất cho tuyến đường.

4
Người dân xã Trung Thành mong dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên đến nay, UBND thị xã Phổ Yên mới giải phóng mặt bằng được 270 m với số tiền bồi thường tài sản, đất đai cho người dân là 1,4 tỷ đồng. Đây là số tiền do các doanh nghiệp có nhu cầu đi trên tuyến đường đóng góp. Ông Trịnh Văn Thủy, xóm Cẩm Trà, xã Trung Thành đã bức xúc nói: Ngày khởi công, đánh trống khua chiêng rinh rầm lắm. Sau 1 năm thì im bặt. Người dân chúng tôi đã bỏ lúa, dành đất cho làm đường với mong muốn thu hoạch mùa vụ đỡ vất vả. Có đường sẽ phát triển kinh tế nhanh hơn. Dân có lòng tốt thì chính quyền và nhà đầu tư làm đường nhanh lên cho dân được nhờ, chớ phụ lòng tin của dân.  Ông Phạm Công Thành, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành lý giải: Nhân dân địa phương rất đồng thuận khi giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường quan trọng này, nhưng đến nay UBND thị xã Phổ Yên chưa thu xếp được vốn bồi thường giải phóng mặt bằng nên việc xây dựng tuyến đường bị tắc nghẽn lại, làm nhân dân bức xúc.

Để giải phóng mặt bằng tuyến đường này cần khoảng 12 tỷ đồng, nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng rất ì ạch. Dư luận nhân dân địa phương cho rằng, UBND thị xã Phổ Yên chưa thực sự quan tâm bố trí vốn nên tuyến đường bị ách tắc. Sự vào cuộc hời hợt nên công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc… Trong khi đó, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã được bố trí vốn xây lắp tuyến đường thì không thể triển khai xây dựng vì không có mặt bằng. Trước sự bức xúc của người dân, chủ đầu tư đã nhiều lần kiến nghị UBND thị xã Phổ Yên khẩn trương giải phóng mặt bằng tuyến đường, nhưng tình hình không có chuyển biến. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Thái Nguyên cần chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra tiến độ dựa án này để làm rõ trách nhiệm liên quan đến giải phóng mặt bằng của địa phương. Nếu cứ để trậm tiến độ như thế này, nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ không thể phát huy hiệu quả đúng như người dân mong muốn. 

 

 

Đức Nam