Nậm Pồ (Điện Biên): Khó khăn xử lý lâm sản tịch thu từ các vụ vi phạm lâm luật

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 15:26, 01/10/2019

(TN&MT) - Không có kho cất giữ, gần 40 mét khối gỗ Dổi, Sâng, Phay và Gai Lang Trung Quốc (nhóm III - VI), trị giá hàng trăm triệu đồng được lực lượng chức năng thu giữ tại Hạt Kiểm Lâm huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đang bị phơi nắng, phơi mưa có nguy cơ mục rỗng, hư hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc tổ chức bán đấu giá số gỗ này đang gặp một số bất cập cần sớm tháo gỡ.

Theo ông Trần Đức quyền, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: Từ tháng 4/2019 đến nay, lực lượng Kiểm Lâm phối hợp với các lực lượng chức năng huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, phát hiện 38 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn huyện, thu giữ được gần 40m² gỗ, gỗ tang vật thu giữ từ (nhóm III đến nhóm VI) gồm: Gỗ Sâng, Dổi, Phay và Gai Lang Trung Quốc.
 

Gần 40m2 gỗ (nhóm III - VI) thu giữ tại Hạt Kiểm Lâm, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Gần 40m2 gỗ (nhóm III - VI) thu giữ tại Hạt Kiểm Lâm, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên


Hiện tại do không có kho bảo quản, toàn bộ số gỗ thu giữ được xếp thành đống ngoài sân Hạt Kiểm Lâm huyện và chỉ được che chắn tạm thời bằng bạt. Ảnh hưởng bởi mưa, nắng nên chỉ sau vài tháng thu giữ không ít hộp gỗ đã có hiện tượng mục nát, chất lượng và giá trị giảm sút nghiêm trọng.

Ông Trần Đức Quyền, Hạt phó Hạt Kiểm Lâm huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: Phần lớn số gỗ này đều do lực lượng Kiểm Lâm huyện truy quét, thu giữ từ các “đầu nậu” mua bán gỗ, người dân khai thác trái phép từ những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Biết việc để gỗ sau khi thu giữ ngoài trời như hiện nay, chất lượng gỗ sẽ bị xuống cấp, giảm giá trị nhưng cũng đành chịu, do đơn vị không có kho lưu giữ.

Mặt khác, do toàn bộ số gỗ thu giữ là vật chứng của các vụ án. Theo quy định, chỉ sau khi có quyết định của Tòa án tuyên án và vật chứng được chuyển sang thi hành án thì toàn bộ số gỗ thu giữ mới được xử lý bán đấu giá. Tuy nhiên, nhiều vụ án kéo dài quá lâu, gỗ để ngoài trời và chỉ được che chắn tạm thời là nguyên nhân dẫn đến việc nhanh chóng xuống cấp, mục nát, giảm chất lượng gỗ thu giữ.

Cũng theo ông Quyền: “Vật chứng sau khi bị thu giữ là tài sản của Nhà nước, do đó nếu vật chứng được xử lý trước thì giá trị vật chứng sẽ cao hơn, tránh gây lãng phí, thất thoát nguồn thu”.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc tăng cường quản lý, bảo vệ để các khu rừng đặc dụng không bị khai thác trái phép, ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển gỗ lậu trên địa bàn, tỉnh Điện Biên cần sớm có giải pháp thanh lý, đấu giá số gỗ quý hiếm tịch thu được đang tồn đọng tại các Hạt Kiểm Lâm trên địa bàn tỉnh nói chung và số gỗ hiện đang thu giữ tại Hạt Kiểm Lâm huyện Nậm Pồ nói riêng.

Nên chăng những tang vật tịch thu đã xử lý hành chính, cần cho phép các đơn vị chức năng bán thanh lý cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện, để tránh lãng phí tài nguyên của Nhà nước./.

 

Hoàng Châu - Hà Thuận