Bình Dương: Tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành đo đạc bản đồ

Đất đai - Ngày đăng : 14:23, 01/10/2019

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và của UBND tỉnh Bình Dương, Sở TN&MT Bình Dương đã và đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành đo đạc bản đồ Việt Nam và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến 2040 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
sobd
Bình Dương hiện đã có một hệ thống bản đồ địa chính phủ trùm toàn tỉnh

Hoàn thiện cơ bản hệ thống bản đồ địa chính

Sở TN&MT hiện đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành 02 Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ, kịp thời phục vụ cho việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động đo đạc bản đồ và viễn thám trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hiện tại, tỉnh Bình Dương đã lập bản đồ địa chính cho toàn bộ 91/91 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích là 269.464 ha. Hệ thống mốc địa chính cơ sở hạng III 145 điểm được khôi phục, di dời và đưa vào sử dụng.

Đồng thời, tỉnh Bình Dương đang sử dụng phần mềm Vilis để vận hành cơ sở dữ liệu đất đai. Song, phần mềm phần mềm Vilis hiện tỉnh Bình Dương đang sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính chưa đủ mạnh khiến cho công tác quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn. Đối với việc thành lập và biên tập bản đồ sử dụng phần mềm Microstation, việc sử dụng các phiên bản cũ của phần mềm Microstation chưa theo kịp trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của các nước trên thế giới.

Về công tác nắn chuyển bản đồ địa chính từ hệ tọa độ HN-72 sang VN-2000 được tỉnh Bình Dương thực hiện với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (2009 - 2010) được thực hiện theo Phương án nắn chuyển bản đồ địa chính từ hệ tọa độ HN-72 sang VN-2000 của 44/91 xã, phường, thị trấn. Còn giai đoạn 2 (2010 - 2011), việc nắn chuyển bản đồ địa chính đối với các xã, phường, thị trấn còn lại được lồng ghép trong các phương án đo đạc, chỉnh lý biến động bản đồ địa chính.

Về công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính cũng được tỉnh Bình Dương chỉ đạo thực hiện qua 03 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2010 - 2012) do Sở TN&MT Bình Dương làm chủ đầu tư và đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt 10 Phương án thiết kế Kỹ thuật - Dự toán trên địa bàn 38 xã, phường, thị trấn thuộc TP. Thủ Dầu Một, TX. Thuận An, huyện Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng với khối lượng đo đạc chỉnh lý trên 48.416 ha, kinh phí thực hiện trên 65 tỷ đồng. Hiện tại, các sản phẩm này đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Còn giai đoạn 2 (2012 - 2015) của Dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương phân cấp về UBND các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) với mục đích tạo điều kiện cho cấp huyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác đo đạc, cập nhật, chỉnh lý biến động bản đồ địa chính. Trong giai đoạn này, UBND cấp huyện đã phê duyệt 20 Phương án thiết kế Kỹ thuật - Dự toán trên 30 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo với khối lượng chỉnh lý trên 56.154 ha, kinh phí thực hiện là trên 76 tỷ đồng.

Đối với giai đoạn 3 (2016 - 2017), tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện công tác đo đạc đo đạc chỉnh lý bổ sung bản đồ địa chính đối với các xã, phường, thị trấn chưa thực hiện chỉnh lý. Dự án do Sở TN&MT làm chủ đầu tư và đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt theo Quyết định 1050 ngày 6/5/2016 với khối lượng thực hiện là hơn 41.905 ha trên địa bàn Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo, Bàu Bàng và Dầu Tiếng, bao gồm 02 đợt với tổng kinh phí thực hiện là gần 45 tỷ đồng. Các sản phẩm của giai đoạn này đều đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã có một hệ thống bản đồ địa chính phủ trùm toàn tỉnh 91/91 xã, phường, thị trấn và được đo vẽ và chỉnh lý bằng phương pháp toàn đạc. Có thể nói, đây là một thuận lợi lớn trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Bộ bản đồ này được tỉnh Bình Dương đưa vào cơ sở dữ liệu và được thống nhất dùng chung ở ba cấp tỉnh, huyện, xã.

Song, bên cạnh thuận lợi lớn trong công tác quản lý về đất đai nêu trên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương hiện cũng đang diễn ra nhanh dẫn đến tình hình biến động đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng ngày càng nhanh và phức tạp hơn so với trước đây. Do đó, việc chỉnh lý cập nhật bản đồ hiện nay vẫn chưa đáp ứng ứng kịp tình hình biến động đất đai thực tế tại địa phương.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đo đạc bản đồ

Trong những năm qua, nguồn kinh phí để thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính; nắn chuyển; đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính; khôi phục mốc địa chính Nhà nước toàn tỉnh được trích từ ngân sách địa phương. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời hoàn thành các công việc nêu trên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện tại, sản phẩm được đưa vào sử dụng phục vụ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước về đo đạc bản đồ và quản lý đất đai trên toàn tỉnh.

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tổ chức, sắp xếp quản lý và công tác quản lý các doanh nghiệp hoạt động đo đạc và bản đồ thì hàng năm, tỉnh Bình Dương có lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về đo đạc và bản đồ như: các lớp học về phần mềm Autocard, ArcGis. Về số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh quản lý hoạt động đo đạc bản đồ, hiện cấp tỉnh có 06 Kỹ sư - Thạc sĩ phụ trách công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đến thời điểm này, Bình Dương hiện có 12 cơ quan, đơn vị được Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, gồm: Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương, Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Bình Dương, Viện Quy hoạch Phát triển Đô thị Bình Dương, Trung tâm Công nghệ Thông tin và Lưu trữ Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương.

Và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Thủ Dầu Một và 07 tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong năm 2017, Sở TN&MT Bình Dương đã tổ chức thanh, kiểm tra 08 đơn vị, trong đó có 01 đơn vị đã hết hạn giấy phép hoạt động. Do đó, năm 2018 và 2019, Sở TN&MT Bình Dương không lập kế hoạch kiểm tra tình hình hoạt động của các đơn vị.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho hay, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ TN&MT và của UBND tỉnh Bình Dương, Sở TN&MT với đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực đo đạc bản đồ được đào tạo bài bản nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kết hợp với cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, góp phần đưa hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương đã có một hệ thống bản đồ địa chính phủ trùm toàn tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động đo đạc bản đồ cấp tỉnh, đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ cũng đã được chú trọng.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương, riêng đối với việc đề xuất các nội dung của tỉnh Bình Dương để đưa vào chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Sở TN&MT Bình Dương kiến nghị Bộ TN&MT nâng cấp phần mềm Vilis và phần mềm Microstation phiên bản mới với nhiều tính năng ưu việt hơn.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác đo đạt và bản đồ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Sở TN&MT Bình Dương cũng kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương giao Sở TN&MT chủ trì, tổ chức xây dựng các nhóm dữ liệu không gian địa lý chuyên ngành theo Điều 27 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13/3/2019 của Chính phủ.

Trong đó, gồm: Dữ liệu về địa chính; Dữ liệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Dữ liệu hiện trạng công trình ngầm; Dữ liệu bản đồ cứu hộ, cứu nạn; Dữ liệu bản đồ quy hoạch tỉnh Bình Dương, bản đồ quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Những dữ liệu nàỳ đều phải được kết nối vào cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2000, 1/10000 mà tỉnh Bình Dương đã xây dựng…

Tường Tú