Nhọc nhằn nghề đun cua

Xã hội - Ngày đăng : 17:16, 30/09/2019

(TN&MT) - Nhìn thấy những con cua biển to, béo ngậy trên đĩa, hay đang tung tăng trong bể chứa của các nhà hàng “hải sản đang bơi”, “hải sản đông lạnh”, “chợ hải sản”... có lẽ ít ai biết được nguồn gốc, xuất xứ của chúng. Để có được những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, ngon miệng, ngon mắt như thế là nhờ sự đóng góp công sức rất lớn của những con người làm cái nghề đầy vất vả, gian nan và còn xa lạ với rất nhiều người - nghề đun cua (đánh bắt cua giống).

 

Nghề đun cua là một nghề đặc biệt. Đồ nghề của những người làm công việc này chỉ đơn giản là một tấm lưới buộc vào hai cây tre nhỏ bắt chéo nhau, phía dưới chân buộc hai tấm nhựa hoặc cao su để người thực hiện công việc này có thể đẩy lưới đi dễ dàng dưới cát. Họ còn trang bị thêm một chiếc đèn chạy bằng ắc quy, một tấm bạt hoặc tấm nilon dày để đựng mẻ tạp phẩm vừa được vớt lên từ đáy biển, vài chiếc lọ thủy tinh hoặc chai nhựa để đựng sản phẩm tìm được... Hàng đêm, với những dụng cụ đơn sơ như thế, họ sẽ dập dềnh cùng sóng nước, tranh thủ đêm tối (cua giống chỉ đi ăn đêm, ban ngày không xuất hiện) để thu nhặt từng đồng tiền mưu sinh từ sự hào phóng của biển cả.

2
Những “thợ” đun cua trên bãi biển huyện Hải Hậu, Nam Định

Những người làm nghề đun cua từ các xã xung quanh đổ về bãi biển xã Hải Xuân (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) - một trong những bãi biển tập trung nhiều cua giống. Từ khoảng 7 giờ đêm hôm trước cho tới rạng sáng hôm sau, bãi biển Hải Xuân nhấp nháy, rực rỡ ánh đèn như đêm hội hoa đăng. Xa hơn một chút ngoài biển, cách mép nước khoảng 20 - 30  mét, từng đoàn người dàn hàng ngang đang cần mẫn đun lưới. Không gian ì ầm tiếng sóng biển, đoàn người như đoàn diễn viên kịch câm đang biểu diễn trên sân khấu. Đoàn người trên bờ cũng im lặng không kém, ai cũng chăm chú căng mắt nhìn, tay gẩy gẩy mớ tạp phẩm tìm kiếm những chiến lợi phẩm bé xíu. Bãi biển chỉ xôn xao một lúc khi mọi người chuẩn bị ra về. Họ cứ lầm lũi như thế từ chập tối hôm trước cho đến khi ánh bình minh ló rạng phía chân trời. Có thể gọi nghề đun cua là cái nghề tránh ánh sáng mặt, nghề ngủ ngày cày đêm.

 

Những người làm nghề đun cua thường đi đôi: một phụ nữ và một nam giới. Công việc chia làm hai phần rõ ràng và phần nào cũng vất vả. Nam giới sẽ đun lưới ở dưới nước, phụ nữ bới tìm cua giống trong mớ tạp phẩm vừa được đưa từ dưới biển lên. Người làm việc dưới nước đòi hỏi phải có sức khỏe, sự dẻo dai và sức chịu đựng tốt. Họ sẽ phải dầm mình dưới nước liên tục 10 - 12 tiếng đồng hồ trong một buổi đi làm. Mỗi mẻ đun lưới sẽ mất khoảng 40 phút đến một tiếng đồng hồ. Khi  lưới đã nằng nặng tay, khó đẩy, họ sẽ đưa lên bờ, trút lên tấm bạt hay tấm nilon cho người ở trên bờ nhặt, nghỉ ngơi một chút, uống hớp nước, rồi lại lao xuống biển, đi đun mẻ khác. Cũng may là nước biển ấm và mùa đun cua chỉ kéo dài trong tiết trời cuối thu đầu đông, đó là mùa trứng cua biển nở.

1
Cua giống

 

Người làm việc dưới nước đã vậy, người làm việc trên bờ cũng vất vả không kém. Họ cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại, tập trung cao độ. Dưới ánh sáng của đèn chạy bằng ác quy, họ luôn phải căng mắt tìm kiếm những sinh vật bé xíu và gần như trong suốt lẫn trong đống tạp phẩm của biển gồm trăm thứ rác rưởi, rong rêu, vỏ ốc, vỏ sò, tôm tép... Người đun cua dưới nước được hoạt động đi lại còn đỡ, người ngồi trên bờ luôn phải tập trung cao độ thì việc chống chọi với cơn buồn ngủ phải nói là một cuộc chiến khắc nghiệt. Thường thì họ vẫn không tránh khỏi thiếp đi một lúc cho đến khi người ở dưới biển mang về một mẻ lưới mới.

 

Nghề đun cua mới phát triển rầm rộ khoảng chục năm trở lại đây, khi ngành nuôi trồng thủy hải sản bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay những người làm nghề này hoàn toàn vẫn là lao động thủ công, vẫn dùng toàn bộ sức người với những dụng cụ đánh bắt thô sơ, đơn giản, không có bất kỳ một loại máy móc nào hỗ trợ.

 

Mục tiêu tìm kiếm của những người làm nghề này là những con cua rèm (cua giống) và những con cồm cộm (hay còn gọi là cùm cụm) sau này sẽ nở thành những con cua rèm. Con cua rèm thì đã có hình hài của con cua rõ ràng, còn dễ nhìn thấy, chứ còn con cồm cộm chỉ nhỉnh hơn đầu tăm một chút xíu, lại trong suốt, phải quen mắt, quen tay lắm mới tìm được. Đối với người ngoài ngành như chúng ta, chúng thực sự là những sinh vật tàng hình.

3
Cua giống

 

Khi nhặt được chiến lợi phẩm, người ta phải chú ý phân chia cua rèm và cồm cộm ra hai lọ khác nhau. Nếu bỏ nhầm cồm cộm sang lọ cua rèm lập tức chúng sẽ bị cua rèm kẹp chết, công sức sẽ bỏ sông bỏ biển hết. Những cái đầu tăm bé xíu đó sau khoảng dăm sáu tháng được nuôi nấng chăm sóc, mỗi con sẽ nặng từ 800g đến 1kg.

 

Sản phẩm thu được sau một đêm ngoài biển sẽ được tập trung lại bán cho chủ thu mua. Giá trung bình của một con thời điểm này là 2500 đồng (cả cua rèm và cồm cộm đều chung một giá). Giá cua giống thường giao động từ 2000 đồng đến 3000 đồng/con. Lúc cao điểm, khan hiếm có thể lên đến 5000 đồng/con. Khoảng 5 - 6 tháng sau, cũng con cua ấy nhưng giá trị của nó đã tăng lên 100 lần.

 

Trung bình một đêm, mỗi gia đình nhặt được khoảng 50 con cua giống, thu nhập từ 150.000 – 200.000 đồng. Có mẻ lưới đảo đi đảo lại hàng chục lần chẳng có con nào, nhưng cũng có mẻ “trúng quả”, vớt được cả “tổ” gần trăm con. Có người một đêm đi đun cua chẳng đủ tiền đổ xăng (ở xã xa phải đi xe máy đến). Cũng có người một mùa vụ đun cua sắm được xe máy. Ngày nọ bù ngày kia, nói chung những người đi đun cua tuy vất vả khó nhọc nhưng có thu nhập khá so với mặt bằng thu nhập ở nông thôn.

 

Chính vì nghề đun cua là nghề có thu nhập khá và lại có tính chất thời vụ nên nhiều người đã lao vào. Vào mùa vụ, trên bãi biển Hải Xuân càng ngày càng xuất hiện nhiều ánh đèn, trên mặt nước đoàn người cứ dài mãi ra, không thấy có điểm kết thúc. Việc tranh giành địa phận không thể tránh khỏi. Cai, thầu cũng xuất hiện. Nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả, e rằng trong tương lai, nguồn tài nguyên hải sản giống sẽ trở nên khan hiếm và có nguy cơ bị cạn kiệt.

Phương Lan