Thủ tướng Bahamas: Xử lý khủng hoảng khí hậu với “mức độ khẩn cấp nhất”

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:05, 30/09/2019

(TN&MT) – “Bão Dorian, một trong những cơn bão Đại Tây Dương có sức tàn phá lớn nhất từng được ghi nhận là một “thảm kịch thế hệ” đối với người dân Bahamas”, Thủ tướng Bahamas Hubert Trinis cho biết vào cuối tuần qua.
Thủ tướng Bahamas Hubert Alexander Minnis phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Khóa họp thứ 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 27/9/2019. Ảnh: LHQ / Loey Felipe
Thủ tướng Bahamas Hubert Alexander Minnis phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Khóa họp thứ 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 27/9/2019. Ảnh: LHQ / Loey Felipe

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, gần một tháng sau khi cơn bão Dorian tàn phá hai trung tâm dân số lớn ở quốc đảo này, ông Minnis kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nhìn nhận khủng hoảng khí hậu là thách thức lớn nhất đối với hành tinh.

“Tôi đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới tập hợp lại để nhìn nhận tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Đây là một thách thức, nếu không được giải quyết nhanh nhất sẽ tiếp tục tàn phá các quốc đảo nhỏ, như Bahamas và cũng sẽ có tác động tàn phá đối với các quốc gia phát triển hơn” - ông Minnis nhấn mạnh.

Bão Dorian đã đánh sập hai hòn đảo ở phía Bắc Bahamas, Abaco và Grand Bahama, khiến 56 người thiệt mạng. 600 người vẫn đang mất tích.

Vào lúc cao điểm, cơn bão mạnh với sức gió 185 dặm một giờ và nước dâng do bão cao đến 23 feet.

Thủ tướng Minnis mô tả cơn bão Dorian xảy ra trong một “ngày tận thế” đối với một số cộng đồng bao gồm Cảng Marsh Harbor, thị trấn từng đẹp như tranh vẽ ở Abaco, giờ đã bị biến thành đống đổ nát.

Mặc dù cơn bão đã khiến người dân Bahamas đau lòng, ông Minnis nói rằng công dân rất biết ơn về sự giúp đỡ quốc tế mà họ nhận được sau thảm họa.

Trước Dorian, Bahamas đã bị các cơn bão lớn tấn công từ năm 2015 - 2017. Ông Minnis cho biết bão trong khu vực này đã phát triển và gây ra số trường hợp thương vong gia tăng trong ba thập kỷ qua.

Ông nói thêm rằng vì các đảo Bahamas trải dài khoảng 180 nghìn dặm vuông đại dương nên nước này có thể bị ảnh hưởng nặng từ bão.

“Nhiệt độ nóng lên khiến mức độ nghiêm trọng và tần suất của các cơn bão đối với quần đảo của chúng tôi ngày càng gia tăng, và cũng phá hủy hệ thống phòng thủ tự nhiên của chúng tôi trước những cơn bão như vậy. San hô và suy thoái rừng ngập mặn, xói mòn đất, thủy triều gia tăng và vô số hậu quả khác của sự nóng lên toàn cầu, làm tăng tính dễ bị tổn thương của chúng tôi đối với sự phát triển và thiết lập khả năng phục hồi hiệu quả”, Thủ tướng Minnis nhấn mạnh.

Ông Minnis cho biết các quốc đảo nhỏ trên thế giới “đang bị nuốt chửng vào một vực thẳm được tạo ra bởi hoạt động của con người và ngày càng không hoạt động”.

Thủ tướng Minnis bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến lược của Tổng thư ký LHQ António Guterres về giải quyết khủng hoảng khí hậu, trong đó có lời kêu gọi cung cấp tài chính ưu đãi cho các quốc gia bị ảnh hưởng.

Mai Đan