Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn: Cần có Trung tâm lưu vực sông để điều hành, sử dụng nguồn nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:17, 28/09/2019
Trong cuộc họp lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, đối với lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nên có một Trung tâm lưu vực sông để điều hành sử dụng nguồn nước, hài hòa giữa phát điện và đảm bảo an ninh nguồn nước cho hạ du.
Ông Hoàng Văn Bẩy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được ban hành vào năm 2010 (Quyết định số 1880/QĐ-TTg), năm 2014 (Quyết định số 909/QĐ-TTg) và năm 2015 (Quyết định số 1357/QĐ-TTg).
Sau gần 09 năm vận hành theo Quy trình, việc phối hợp vận hành của các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã góp phần quan trọng trong việc giảm lũ cho hạ du, đồng thời bảo đảm nguồn nước cấp cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ở khu vực hạ lưu các hồ chứa.
Tuy nhiên, qua kết quả rà soát, tổng kết quá trình vận hành liên hồ chứa trong thời gian qua cho thấy có một số vấn đề cần được xem xét điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, đồng thời từng bước nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành các hồ trong việc cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du. Cụ thể là: Một số hồ thủy điện khác trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã được đưa vào vận hành có khả năng điều tiết nước và ảnh hưởng đến cấp nước hạ du, nhất là trong mùa cạn cần được xem xét bổ sung vào Quy trình; Chưa quy định vận hành hồ trong các tình huống bất thường trong mùa lũ và mùa cạn;
Theo ông Hoàng Văn Bẩy, các chế độ vận hành, thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành hồ, trách nhiệm tổ chức vận hành và cung cấp thông tin báo cáo trong mùa lũ cũng như mùa cạn còn nhiều vấn đề chưa rõ và được quy định phân tán trong nhiều điều, khoản trong Quy trình cần bố cục lại. Trạm thủy văn Câu Lâu được sử dụng làm kiểm soát lũ hạ du nằm khá xa so với hồ Sông Tranh 2 gây khó khăn trong việc điều hành hồ. Đồng thời, cần bổ sung lưu lượng lũ đến hồ là một điều kiện để chuyển các chế độ vận hành trong mùa lũ nhằm đảm bảo hiệu quả cắt, giảm lũ, bảo vệ hạ du….
Vì vậy, việc rà soát tình hình vận hành thực tế của các hồ chứa trong thời gian qua, trên cơ sở đó nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là cần thiết và cấp bách, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, tình trạng lũ lụt, hạn hán, thiếu nước đang ngày càng gia tăng, biến đổi khó lường.
Theo Dự thảo, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, bao gồm các hồ, đập: A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 2, Sông Bung 6, A Vương 3, Za Hưng, Đắk Mi 2, Đắk Mi 3, Đắk Mi 4b, Đắk Mi 4c, Sông Tranh 3, Sông Tranh 4, Khe Diên, Sông Côn 2 bậc 1, Sông Côn 2 bậc 2, An Trạch, Hà Thanh, Thanh Quýt, Bàu Nít và Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cũng cho biết, về cơ bản, kết cấu Dự thảo Quy trình được giữ nguyên như Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tại Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Quy trình gồm 4 Chương, 40 điều, trong đó bổ sung thêm 7 Điều mới và cập nhập, bổ sung, biên tập lại một số nội dung quy định tại các điều còn lại để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Dự thảo Quy trình.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo, ông Ngô Xuân Thế - Phó giám đốc Thủy điện A Vương cho rằng, tại Khoản 2, Điều 5 nêu: “Việc vận hành giảm lũ cho hạ du phải bảo đảm không được gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du các hồ chứa” nên xem xét sửa lại là “Việc vận hành giảm lũ cho hạ du phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du các hồ chứa”.
Ông Ngô Xuân Thế cũng cho rằng, theo dự thảo Quy trình, tại Điểm c, Khoản 2, Điều 7 nêu “Các tình huống bất thường khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng quyết định để đảm bảo an toàn cho hạ du”. Tuy nhiên, trong một số tình huống cần thống nhất trong việc điều hành nên giao cho một bên làm đầu mối như thế sẽ kịp thời xử lý.
Tại Khoản 4, Điều 18 có nêu “Trường hợp xảy ra hạn hán với cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán từ cấp độ 2 trở lên, thì căn cứ tình hình thực tế, lưu lượng đến hồ, mực nước hồ, dự báo lưu lượng đến hồ và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du, chủ hồ đề xuất phương án xử lý gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam để xem xét, quyết định chế độ vận hành các hồ cho phù hợp với tình hình hạn hán và bảo đảm yêu cầu sử dụng tối thiểu đến cuối mùa cạn, kể cả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của các hồ”, theo Đại diện Thủy điện A Vương nên bổ sung thêm là “xem xét sử dụng một phần dung tích chết của các hồ bằng việc xả qua các cửa van”. Như thế thủy điện sẽ không chạy máy vì nếu chạy máy tại mực nước chết sẽ rất nguy hiểm và vi phạm vùng dung tích chết, làm ảnh hưởng đến máy.
Đại diện thủy điện Sông Tranh 2 thì lại cho rằng, Điểm b, Khoản 7, Điều 33 có nêu “Đề xuất phương án, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng theo thẩm quyền, Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất phương án điều tiết nước cho hạ du nếu xảy ra sự cố mà không thể vận hành hồ theo quy định của Quy trình này”. Tuy nhiên, Thủy điện sông Tranh 2 nằm trong khu vực của tỉnh Quảng Nam, vậy đề nghị Tổ soạn thảo xem xét, nghiên cứu Thủy điện sông Tranh 2 có cần thiết phải cung cấp thông tin cho Đà Nẵng (?).