ĐBSCL: Tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn biến rất phức tạp

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 22:46, 27/09/2019

(TN&MT) - Từ đầu năm 2019 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đang diễn biến rất phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho người dân địa phương tại các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL.
lo1
Một vụ sạt lở đất bờ sông tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng

Xảy ra nhiều vụ sạt lở

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đã diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, đã xảy ra hơn 30 vụ sạt lở đất bờ sông, xói lở bờ biển, gây thiệt hại lớn cho người dân địa phương.

Trong đó, có 03 khu vực đặt biệt nguy hiểm, đó là đoạn bờ sông Rạch Vọp thuộc huyện Kế Sách; đoạn bờ sông Hậu, sông Saintard, rạch Mọp thuộc các xã Long Đức, Song Phụng và thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú; đoạn bờ biển từ khu vực giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu đến cống số 04 thuộc xã Lai Hòa, Vĩnh Tân, TX. Vĩnh Châu.

Trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp nêu trên, ngày 17/9/2019, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành các Quyết định công bố tình huống khẩn cấp một số khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Tại tỉnh Hậu Giang, trong 8 tháng năm 2019, đã xảy ra tổng cộng 46 điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch, tăng 26 điểm so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, huyện Châu Thành là địa phương xảy ra nhiều vụ sạt lở nhất với 39 điểm. Các vụ sạt lở trên đã làm mất hơn 5.600m2 đất và nhiều cây cối, hoa màu, nhà cửa của người dân, ước tổng thiệt hại 2,3 tỉ đồng.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trong những năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tại huyện Châu Thành, nơi thường xuyên xảy ra các vụ sạt lở, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhiều người dân.

Còn tại TP. Cần Thơ, từ đầu năm 2019 đến nay, đã xảy ra 23 vụ sạt lở đất bờ sông, kênh rạch ở 6 quận, huyện, gây thiệt hại trên 14 tỉ đồng. Trong số 6 quận, huyện xảy ra sạt lở, huyện Phong Điền chiếm nhiều nhất với 9 vụ, kế đến là huyện Vĩnh Thạnh với 4 vụ. Tính đến ngày 31/7/2019, TP. Cần Thơ đã hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do sạt lở với tổng số tiền 380 triệu đồng.

lo3
Tiến hành nạo vét, gia cố bờ sông để bảo vệ tài sản cho người dân

Đâu là nguyên nhân?

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, qua theo dõi những vụ sạt lở đất bờ sông, kênh rạch xảy ra mới đây, nguyên nhân chủ yếu là do dòng chảy ở một số tuyến sông, kênh rạch có sự thay đổi, chảy xiết; nhiều tàu, bè lưu thông gây áp lực lên các bờ sông làm sạt lở đất.  

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, sạt lở hay bồi lắng đã diễn ra ở khu vực ĐBSCL từ nhiều năm trước, nhưng những năm trước sạt lở ít hơn bồi lắng. Còn hiện nay, do nắng, mưa thất thường và một số nguyên nhân khác nữa đã làm cho tình trạng sạt lở xảy ra nhiều hơn và trở thành vấn đề thời sự nóng đối với khu vực này.

Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập hệ sinh thái ĐBSCL cho biết, từ khoảng năm 2005 trở lại đây, ĐBSCL sạt lở xảy ra nhiều hơn bồi lắng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra sạt lở vì ĐBSCL thiếu hụt bùn, cát do các đập thủy điện chắn phía trên thượng nguồn sông Mê Công và hoạt động khai thác cát, khiến cho tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn ra phức tạp trong thời gian qua.

lo2
Mô hình trồng cừ, tràm chống sạt lở bờ sông ở Hậu Giang

Triển khai các giải pháp

Để ứng phó với sạt lở, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, Tong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sinh sống ven sông, kênh rạch, hạn chế tải trọng gần bờ; quản lý chặt việc xây dựng các công trình ven sông; hình thành các cụm, tuyến dân cư để bố trí nơi ở ổn định cho các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở; nạo vét gia cố bờ sông; đầu tư xây dựng bờ kè, đê bao ứng phó sạt lở.

Theo Ths. Nguyễn Hữu Thiện, trước mắt, để tránh thiệt hại tài sản, nhà cửa của người dân, cơ quan chức năng sớm tiến hành khảo sát lập bản đồ những nơi có nguy cơ sạt lở cao để gấp rút di dời người dân và không xây dựng công trình, nhà cửa gần bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, ngay bây giờ phải khẩn trương quản lý chặt việc khai thác cát sông trên toàn tuyến chứ không nên để từng địa phương cấp phép khai thác cát hay nạo vét như hiện nay.  

Ths. Nguyễn Hữu Thiện cũng lưu ý, trước khi xảy ra sạt lở thì nên xem là tình trạng khẩn cấp để bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng người dân. Còn trường hợp đã sạt lở rồi thì không còn khẩn cấp nữa. Lúc này các cơ quan chức năng cần cân nhắc là lựa chọn phương án đầu tư trám lấp lại hay chấp nhận sạt lở, di dời người dân đi nơi khác và làm đường tránh khu vực bị sạt lở.

Để ứng phó với sạt lở hiệu quả, bền vững, Ths. Nguyễn Hữu Thiện và một số nhà khoa học khác khuyến cáo các địa phương, người dân quan tâm triển khai thực hiện giải pháp như: trồng cừ, tràm, mắm, đước để tạo bãi bồi, giữ đất, chống sạt lở.

Từ khuyến cáo của các nhà khoa học cũng như tình hình sạt lở thực tế ở mỗi địa phương, giải pháp trồng cây giữ đất đang được các tỉnh như: Hậu Giang, Sóc Trăng quan tâm triển khai thực hiện. Nhằm hạn chế sạt lở bờ sông, năm 2017, tỉnh Hậu Giang triển khai thí điểm 03 mô hình kè sinh thái (trồng cừ, tràm) cặp một số tuyến sông như: Bún Tàu, Lái Hiếu... thuộc huyện Phụng Hiệp và TX. Ngã Bảy.

Tại buổi khảo sát mới đây, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá cao hiệu quả mà mô hình kè sinh thái mang lại. Đồng thời, cho rằng mô hình này phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ những hiệu quả mà mô hình kè sinh thái mang lại, ông Trương Cảnh Tuyên đề nghị, các Sở, ngành chức năng cần triển khai nhân rộng mô hình này ra các địa bàn khác như: Long Mỹ, TP. Vị Thanh để ứng phó sạt lở bờ sông, kênh, rạch trong thời gian tới.

X.Hợp