“Lá phổi xanh” trong lòng phố biển

Biển đảo - Ngày đăng : 14:30, 26/09/2019

(TN&MT) - Nếu Phú Quốc thường được gọi với cái tên Đảo Ngọc để khẳng định giá trị tuyệt hảo, Cù Lao Chàm được ví như viên ngọc quý của Quảng Nam bởi vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ thì bán đảo Sơn Trà được xem như là “kho báu” của TP. Đà Nẵng.

Kho báu xanh…

Nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Bắc dải núi Sơn Trà vươn mình ra biển Đông như là bức bình phong che chắn bão giông cho Đà Nẵng. Ngoài chức năng điều tiết môi sinh, làm sạch không khí, sở hữu hệ động, thực vật phong phú, đa dạng từ rừng đến biển, Bán đảo Sơn Trà thực sự là “kho báu xanh” của thành phố biển.

Toàn bộ Bán đảo Sơn Trà có diện tích chỉ gần 4.439 ha nhưng đối với người dân Đà Nẵng, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà được ví như “lá phổi xanh”, “hệ thống máy lọc không khí”, “máy điều hòa tự nhiên”… cung cấp không khí trong lành và nguồn nước ngọt tinh khiết cho thành phố và các khu vực lân cận. Độ che phủ của rừng Sơn Trà hơn 99% bằng rừng cận nguyên sinh với đầy đủ chủng loại hỗn giao, mật độ cây, trữ lượng cây vào loại đẳng cấp cao của thế giới. Diện tích tuy nhỏ nhưng hệ thực vật vô cùng đa dạng với 985 loài thực vật bậc cao, trong đó, có 22 loài thực vật quý, có hơn 150 loài là thức ăn của loài voọc chà vá chân nâu. Đặc biệt, cây đa cổ thụ nghìn năm tuổi đang là “lão đại” của các loài thực vật nơi đây và cũng là cây di sản đầu tiên của Đà Nẵng.

GIU LA PHOI DA NANG 4
Mô hình cho Bống xin rác đang tạo thói quen bỏ rác vào bụng bống cho người dân và du khách trên các bãi biển Đà Nẵng

Đi đôi với hệ thực vật đa dạng là hệ động vật phong phú. Ở Bán đảo Sơn Trà được ghi nhận hơn 300 loài động vật trên cạn, trong đó, có 3 loài linh trưởng quý hiếm là cu li nhỏ, khỉ vàng và voọc chà vá chân nâu. Voọc chà vá chân nâu là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương và nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Hiện, loài vọoc chà vá chân nâu cũng đang được chọn là biểu tượng của Đà Nẵng. Chọn lựa này xuất phát từ định hướng xây dựng thành phố môi trường, thân thiện, thông qua hình ảnh voọc chà vá chân nâu kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.

Bên cạnh nguồn tài nguyên rừng quý hiếm là nguồn tài nguyên biển độc đáo với khoảng 104,6 ha rạn san hô. Rạn san hô ở khu vực Bán đảo Sơn Trà được đánh giá đa dạng không kém Nha Trang hay Cù Lao Chàm. Các bãi tắm ở Sơn Trà như bãi Tiên Sa, hòn Nghê, bãi Bụt… vẫn giữ được vẻ hoang sơ mà ít nơi có được.

Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, Bán đảo Sơn Trà đang trở thành điểm dừng chân hút khách, số lượng khách du lịch tham quan và khám phá tại Bán đảo Sơn Trà ngày một tăng, tuy vậy, với sự xuất hiện của con người nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nơi đây ít nhiều đang bị tác động. Đây chính là thách thức mà chính quyền và người dân địa phương đang phải đối mặt tìm giải pháp hài hòa giữa bảo tồn và khai thác.

Gìn giữ bằng những hành động xanh

Những năm qua, TP. Đà Nẵng luôn chú trọng đến công tác quản lý, giám sát tại Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch. Hiện, trên Bán đảo Sơn Trà đã bố trí thùng rác ở các điểm du lịch, cắm các biển báo để nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường. Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên tuyền nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến cáo người dân và du khách hạn chế sử dụng túi ni lông và rác đồ dùng bằng nhựa khi tham quan tại Sơn Trà và các bãi biển.

GIU LA PHOI DA NANG 2
Voọc chà vá chân nâu là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương

Ông Phan Minh Hải - Phó Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, hàng tuần, Ban Quản lý phối hợp với các đội, nhóm thường xuyên tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh thu gom rác thải nhựa, không để rác thải nhựa phân hủy tại rừng gây nguy hiểm cho hệ động thực vật; lắp đặt, và bảo dưỡng thường xuyên 8 cầu cây xanh tại bán đảo Sơn Trà nhằm tạo lối di chuyển cho Voọc chà vá chân nâu. Đồng thời, khuyến cáo du khách không cho động vật hoang dã ăn trái cây và thức ăn tại Bán đảo Sơn Trà; phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tuần tra, giám sát xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và tham gia công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Ban Quản lý đã triển khai thả phao bảo vệ san hô tại khu vực Hòn Sụp.

Theo ông Hải, để sinh cảnh phát triển bền vững cần có mô hình quản lý cả bán đảo và kiểm soát khách đến Sơn Trà. Thống nhất đầu mối quản lý, tăng cường chức năng nhiệm vụ để bảo tồn tốt môi trường cũng như tài nguyên hiện có. Nguy cơ lớn nhất là phòng chống cháy rừng, kiểm soát tốt người ra vào rừng để ngăn chặn tình trạng bẫy bắt động vật.

Còn theo ông Đoàn Văn Đức - Trưởng phòng TN&MT quận Sơn Trà, khó khăn lớn nhất trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn quận là ý thức tự giác của người dân và khách du lịch. Trong đà phát triển như hiện nay, số lượng dân cư ngày càng đông, khách du lịch cũng không ngừng gia tăng, việc giữ gìn môi trường đòi hỏi xuất phát từ ý thức, công tác tuyên truyền vận động chỉ là hình thức nếu chúng ta không nâng cao ý thức tự giác.

 

YẾN NHI