Sẽ xử nghiêm các vi phạm pháp luật về biển và hải đảo

Biển đảo - Ngày đăng : 14:34, 26/09/2019

(TN&MT) - Bộ TN&MT vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; đồng thời, đăng tải thông tin này để lấy ý kiến góp ý trên trang điện tử Chính phủ và Cổng thông tin của Bộ.

Theo đó, nguyên tắc xây dựng Nghị định được đưa ra là tất cả các hành vi vi phạm phải được quy định cụ thể, chi tiết; mức xử phạt phù hợp, khả thi, bảo đảm tính răn đe, đáp ứng yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo .

Trước đó, ngày 25/6/2015, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trong đó, quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Trong quá trình kiểm tra, giám sát việc triển khai Luật đến nay phát sinh nhiều hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh lực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo chưa có chế tài xử phạt.

T11
Bộ TN&MT sẽ đề xuất các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt đối với các quy định về hành lang bảo vệ bờ biển. Ảnh: HM

Hiện nay, các mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển được quy định tại nhiều văn bản chuyên ngành khác nhau. Mặt khác, các văn bản này chưa quy định việc xử phạt các hành vi vi phạm đã được xác định trong Luật như: Xử phạt hành chính hành vi vi phạm trong cấp phép nghiên cứu khoa học của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam; quy định về nhận chìm ở biển; quy định về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; các quy định về hành lang bảo vệ bờ biển.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ TN&MT đã tập trung triển khai rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; đồng thời, nghiên cứu các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan đến lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo: Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, hàng hải, du lịch, quốc phòng, dầu khí, thủy sản... để đề xuất các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt cho phù hợp đối với từng nhóm hành vi cụ thể.

Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được xây dựng gồm 4 Chương với 22 Điều cụ thể: Chương I - Những quy định chung, gồm 4 Điều: Từ Điều 1 - 4; Chương II - Hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, gồm 3 mục, 9 Điều cụ thể: Vi phạm quy định về nghiên cứu khoa học của cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam, với 3 Điều quy định các nội dung: Vi phạm quy định của Quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học; vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; vi phạm quy định về công bố và chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học.

Vi phạm quy định về nhận chìm ở biển, với 3 điều quy định các nội dung: Vi phạm nội dung trong Giấy phép nhận chìm ở biển; vi phạm các quy định khác trong hoạt động nhận chìm ở biển; vi phạm về thực hiện nhận chìm ở biển khi không có Giấy phép nhận chìm ở biển.

Vi phạm quy định về giao khu vực biển nhất định để khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hành lang bảo vệ bờ biển, với 3 điều quy định các nội dung: Vi phạm các quy định của Quyết định giao khu vực biển; sử dụng khu vực biển khi không có quyết định giao khu vực biển; vi phạm các quy định về hành lang bảo vệ bờ biển.

Chương III - Thẩm quyền ,thủ tục xử phạt vi phạm hành chính gồm 7 Điều: trong đó, quy định về thẩm quyền và phân định thẩm quyền xử phạt của các cơ quan liên quan.  Chương IV - Điều khoản thi hành gồm 2 điều.

Đây là Nghị định quan trọng nhằm thực thi nghiêm pháp luật tài nguyên môi trường biển, hải đảo. Thông qua ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và các tổ chức chính trị, xã hội, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

 

Minh Phạm