Bình Định: Công ty CP Thị Nại Eco Bay bị “tuýt còi” tạm dừng hoạt động bơm, hút cát trên đầm Thị Nại
Tiếng dân - Ngày đăng : 23:09, 24/09/2019
Báo TN&MT có loạt bài “Bình Định: Dân phản đối việc thổi, hút cát để thi công dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại” ngày 8/8/2019’ và “Bình Định: Doanh nghiệp hút cát, lấp lạch, hủy hoại rừng ngập mặn đầm Thị Nại” đăng ngày 19/9/2019, phản ánh chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại đã tiến hành hút, thổi cát trên đầm Thị Nại để san lấp mặt bằng. Việc khai thác này, làm ảnh hưởng đến nguồn sinh kế của 60 hộ dân sinh sống tại tổ 48, 49, khu phố 9A, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, khiến người dân bức xúc, phản đối chủ đầu tư thi công dự án. UBND tỉnh Bình Định có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh nội dung thông tin báo chí đã phản ánh; khẩn trương làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có), trả lời cho các cơ quan báo chí.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Sở TN&MT, Khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại do Công ty CP Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư, thi công dự án được UBND tỉnh Bình Định có Quyết định số 4429 ngày 14/12/2018 giao đất, cho thuê đất với diện tích là 1.175.600m2 để thực hiện dự án, tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ đồng. UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2663 ngày 01/8/2019. Trong báo cáo có nội dung đánh giá môi trường về nạo vét luồng lạch trong khu vực dự án và tận dụng khối lượng bùn cát san lấp mặt bằng.
Việc công ty tận dụng khối lượng bùn cát trong quá trình nạo vét luồng lạch và cồn cát trong khu vực dự án để san lấp mặt bằng là phù hợp với hồ sơ thiết kế, hồ sơ môi trường đã được các cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Không phải là hành vi khai thác khoáng sản trái phép, là khai thác khoáng sản trong công trình thuộc trường hợp không cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, trước khi hoạt động phải đăng ký với cơ quan chức năng theo quy định của Luật Khoáng sản.
Do đó, Sở TN&MT yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động bơm, hút cát trong khu vực dự án, tiến hành đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác cho UBND tỉnh. Hoạt động bơm, hút cát tại khu vực dự án chỉ được phép thực hiện khi công ty đã hoàn thành việc đăng ký và được UBND tỉnh đồng ý. Đồng thời, yêu cầu công ty công khai các tài liệu về hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt cho chính quyền và nhân dân địa phương biết, theo dõi, giám sát. Thời gian thực hiện chậm nhất đến ngày 30/9/2019 phải hoàn thành.
Đối với hai vị trí bơm, hút cát trên đầm Thị Nại (khu vực 1 có diện tích 16,93ha tiếp giáp về phía Đông Bắc khu vực đang hút cát của Công ty An Phú Thịnh, cách cầu Thị Nại về phía Bắc khoảng 600m; khu vực 2 có diện tích 30,19ha, tiếp giáp về phía Nam, khu vực đang hút cát của Công ty An Phú Thịnh) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương (nằm ngoài diện tích dự án), Sở yêu cầu công ty, nếu có nhu cầu khai thác để san lấp phải khẩn trương hoàn thành việc lập hồ sơ cấp phép khai thác theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, việc hoạt động khai thác, bơm hút tại hai khu vực này chỉ được phép tiến hành sau khi công ty hoàn tất hồ sơ theo quy định. Phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng của dự án.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Bình Định sau khi nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng của công trình hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại, nhận thấy hạng mục san nền mặt bằng thuộc khu vực các cửa sông Hà Thanh thường xuyên có dòng chảy lớn dễ dẫn đến nguy cơ sạt lở làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập lụt phía thượng lưu. Vì vậy, để bảo đảm an toàn thoát lũ hạ lưu sông Hà Thanh thì hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng cần bổ sung đồng bộ hạng mục kè chắn đất. Từ các lý do trên, hạng mục san nền mặt bằng chưa đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng.
Điều chúng tôi muốn nói đến, đó là nỗi lo lắng của người dân thành phố Quy Nhơn về tình trạng ngập úng vào mua mưa bão trong khu vực thành phố sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, bởi các dự án chung cư, thương mại, du lịch, dịch vụ. Các nhà đầu tư thi nhau lấp hồ, lấp đầm để san lấp mặt bằng thực hiện dự án. Hậu quả nhãn tiền do Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc lấp hồ Phú Hòa để làm dự án Khu Đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa gây ra vẫn còn đó, đến nay chưa xử lý được. Hồ Phú Hòa và đầm Thị Nại được ví như “lá phổi xanh” và là nơi điều tiết, tiêu thoát lũ của thành phố nay đã bị chặn lại, thì nước sẽ chảy đi đâu nếu không đổ vào nhà dân.