ĐBSCL: Chuyển dịch năng lượng tái tạo để thích ứng BĐKH, phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 20:05, 24/09/2019
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), cho biết sau khi Chính phủ có cơ chế tháo gỡ phát triển năng lượng tái tạo(NLTT) đã thúc đẩy các loại hình năng lượng này phát triển vượt bậc.
Cùng với 8 nhà máy điện gió (công suất 243MW), 100 nhà máy điện sinh khối (công suất 21MW) tiếp tục được duy trì vận hành ổn định, 6 tháng đầu năm 2019, đã có 82 dự án điện mặt trời triển khai đầu tư xây dựng, đi vào vận hành thương mại, cung ứng 4.464MW, chiếm tới 8% tổng công suất hệ thống điện cả nước.
Những con số này cho thấy NLTT bắt đầu khởi sắc và áp lực cho điện than cũng như các loại hình năng lượng hóa thạch giảm dần. Tín hiệu này mở ra khả năng thời gian tới, các loại hình điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối phát triển thì miền Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng sẽ từng bước tự cân đối được cung - cầu về điện.
ĐBSCL hoàn toàn có thể ứng dụng các loại hình NLTT, nhất là chuyển phong năng, sinh năng và quang năng thành điện năng. Điều này, đã được các chuyên gia, nhà khoa học chứng minh tính phù hợp, lợi thế và hiệu quả trong nhiều hội nghị, hội thảo khoa học tại ĐBSCL. PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Viện phó Viện Nghiên cứu về BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, khẳng định quá trình chuyển dịch này là thân thiện với môi trường, ứng phó với BĐKH, bền vững kinh tế - xã hội.
Hơn nữa, theo PGT.TS. Lê Anh Tuấn, tiềm năng phát triển NLTT ở ĐBSCL thuộc loại cao so với cả nước. Đây cũng có thể xem là tiềm năng mới được giới nghiên cứu chỉ ra tại vùng châu thổ cuối cùng của lưu vực sông Mekong hoàn toàn trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có diện tích đất liền hơn 36.000km2, trên 700km đường bờ biển, diện tích vùng biển gấp 3 lần diện tích đất liền này.
Và cùng những thông số kỹ thuật định tính cụ thể về tiềm năng nắng, gió cũng đã được ghi nhận cụ thể: năng lượng gió biển ở độ cao 80m mạnh khoảng 5,5 - 6m/s, tiềm năng khai thác gió ven biển có thể đạt từ 1.200 - 1.500MW; mỗi năm có từ 2.200 - 2.500 giờ nắng, cường độ bức xạ mặt trời có từ 4,3 - 4,9 kWh/m2.
Trên thực tế, việc ứng dụng các loại hình điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối tại ĐBSCL đã có những chuyển biến đáng mừng, với nhiều mô hình thiết thực trong nhiều lĩnh vực sinh hoạt, sản xuất để làm cơ sở nhân rộng. Điển hình là phát triển điện gió ở tỉnh Bạc Liêu và điện mặt trời ở tỉnh An Giang. Theo đánh giá của bà Ngụy Thị Khanh thì ĐBSCL là vùng có tiềm năng chuyển dịch NLTT mạnh mẽ.
Việc chuyển dịch NLTT, giảm dần nhiệt điện than, còn có ý nghĩa lớn về an ninh năng lượng. Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, việc tận dụng NLTT tại chỗ để thay thế nguồn nguyên liệu than phải vận chuyển từ ngoài vùng và nhập khẩu để sản xuất điện, sẽ từng bước giúp ĐBSCL giảm sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, giảm khả năng bất khả kháng về an ninh năng lượng khi nguồn cung bên ngoài bị sự cố.