Tiêu dùng có trách nhiệm vì một trái đất bền vững: Thúc đẩy mua sắm công xanh

Môi trường - Ngày đăng : 10:19, 24/09/2019

(TN&MT) - Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước là quan điểm và mục tiêu phát triển chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thay đổi tư duy quản lý, mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững được coi là cách tiếp cận hiệu quả và toàn diện nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Mua sắm của các cơ quan Nhà nước là một thị trường tiêu dùng rất lớn, chi phối hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất. Do đó, hướng đến mua sắm công xanh thông qua việc quy định ưu tiên đối với những sản phẩm xanh, thân thiện với cộng đồng và môi trường được xem là hướng đi cần thiết hiện nay.

Anh mua sam cong xanh
Mua sắm công xanh là hướng đi cần thiết hiện nay. Ảnh: Lê Tiên

Thiết lập hàng pháp lý toàn diện

Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động mua sắm trong khu vực công được nhận định là một trong những nhiệm vụ quan trọng và chiếm một phần lớn trong tổng chi ngân sách của Nhà nước. Ước tính, chi tiêu công chiếm từ 10% - 15% GDP, mua sắm xanh là một trong những công cụ chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mua sắm công xanh đòi hỏi các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cân nhắc sự cần thiết của việc mua sắm cũng như những tác động môi trường của sản phẩm hay dịch vụ này ở tất cả các giai đoạn vòng đời của chúng trước khi đưa ra quyết định mua sắm.

Hệ thống pháp luật quản lý hoạt động mua sắm công đã không ngừng hoàn thiện như Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Quyết định số 170 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước... đã giúp việc kiểm soát mua sắm công được chặt chẽ hơn.

Đối với các quy định mua sắm công xanh, hiện tại chưa có những chính sách, quy định cụ thể về việc tích hợp các yếu tố BVMT và công bằng xã hội trong mua sắm. Tuy vậy, trong quy trình mua sắm công, một số sáng kiến nhằm cải thiện quy trình này đang thực hiện ở các cơ quan Chính phủ như Quyết định số 179 về ban hành quy chế tổ chức mua sắm tài sản hàng hóa từ ngân sách Nhà nước theo phương thức tập trung, Quyết định số 68 về việc Ban hành Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước. Theo đó, từ năm 2013, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước khi mua sắm các phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này phải mua sắm các phương tiện, thiết bị được dán nhãn năng lượng.

Tiếp đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìnđến 2030, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 thực hiện mua sắm xanh. Đây là các cơ sở quan trọng để hình thành một nền kinh tế xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh.

Báo cáo về mua sắm công bền vững toàn cầu năm 2017 cho thấy, trong số 56 chính phủ được tiến hành khảo sát, có đến 74% chính phủ cam kết thực hiện mua sắm công bền vững gắn với cả 3 khía cạnh môi trường, xã hội và kinh tế, còn lại 26% chính phủ chỉ cam kết tập trung vào vấn đề môi trường.

Tích hợp tiêu chí môi trường vào mua sắm

Hiện nay, Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), với những điều khoản cam kết liên quan đến mua sắm công như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), CPTPP. Mặc dù, không phải mọi gói thầu sử dụng ngân sách Nhà nước đều sẽ phải tuân thủ yêu cầu của các FTA, song sức ép hội nhập sẽ buộc pháp luật về đấu thầu của Việt Nam tiệm cận hơn với chuẩn quốc tế. Điều này vừa tạo cơ hội để các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình đấu thầu các gói mua sắm công, vừa tạo điều kiện thực hiện mua sắm công xanh.

Các chuyên gia cho rằng, mua sắm công xanh có thể được xây dựng và triển khai thực hiện với sự đồng thuận, hỗ trợ từ phía Chính phủ và sự hợp tác giữa các Bộ/ngành thông qua việc ban hành các chính sách và các văn bản hướng dẫn chi tiết. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát các văn bản quy định về mua sắm công và các văn bản quy định trong lĩnh vực BVMT và phát triển bền vững để xây dựng một khung pháp lý về mua sắm công xanh, cũng như tích hợp các tiêu chí môi trường vào quy trình mua sắm.

Mua sắm công xanh là một công cụ có lợi cho cả hai bên (người mua và nhà cung cấp) nhằm thúc đẩy các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Trên bình diện chung, khả năng triển khai mua sắm công xanh ở Việt Nam là tương đối thuận lợi. Bởi khung pháp lý về cơ bản đã có; quy chế và quy trình mua sắm đấu thầu đã được luật hóa; chưa nói mua sắm công xanh hiện nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác, tổ chức quốc tế.

Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi nói trên, những khó khăn khi triển khai mua sắm công ở Việt Nam không phải ít. Trong đó, việc thiếu tính liên kết giữa các văn bản pháp luật; quy chế và quy trình đấu thầu còn thiếu sự liên kết, điều phối giữa các cơ quan chủ quản; thiếu hướng dẫn cụ thể về mua sắm công xanh; thiếu các văn bản mang tính bắt buộc đối với thực hiện mua sắm công xanh; hạn chế về nhận thức và năng lực đã làm cho khả năng triển khai chưa như mong đợi.

Do đó, để mua sắm công xanh bền vững, trước hết, cần có các chính sách không phân biệt đối xử; khung chính sách thuận lợi và hệ thống mua sắm hoàn chỉnh, minh bạch; chính sách thúc đẩy tiêu dùng bền vững; chính sách sản xuất bền vững; chính sách và quy định bảo vệ môi trường cụ thể; quy định rõ tại Bộ luật Lao động...

Muốn được như vậy, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn; ban hành kế hoạch hành động quốc gia về mua sắm công xanh; thúc đẩy phát triển các chương trình nhãn sinh thái; các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ; tăng cường hợp tác quốc tế; tăng cường nhận thức; triển khai các hoạt động thí điểm về mua sắm công xanh. Thông thường, các thành phần của mua sắm công xanh bao gồm: khía cạnh môi trường, khía cạnh kinh tế, khía cạnh xã hội. Lợi ích của mua sắm công xanh sẽ được phát huy tối đa mỗi khi các thành phần của mua sắm công xanh được triển khai hiệu quả.

Tổng cục Môi trường cho biết, Chương trình cấp Nhãn sinh thái của Việt Nam (Nhãn xanh Việt Nam) được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt năm 2009 theo Quyết định số 253/QĐ-BTNMT ngày 5/3/2009. Mục tiêu là nhằm tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường thông qua việc khuyến khích các hình mẫu sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường được Nhà nước đánh giá, chứng nhận. Nếu cả người mua và nhà cung cấp cùng chung chí hướng, hoạt động mua sắm công xanh ở Việt Nam sẽ tiến triển tích cực.

Những năm gần đây, Bộ TN&MT đã đẩy mạnh các dự án, thỏa thuận với phía nước ngoài nhằm tạo tiền đề cho việc triển khai mua sắm công xanh, điển hình như dự án “Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái”. Hay thỏa thuận hợp tác về mua sắm công xanh giữa Tổng cục Môi trường và Viện Công nghệ và Công nghiệp môi trường Hàn Quốc, ưu tiên cho việc tổ chức các khóa đào tạo tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm về mua sắm công...

 

 

 

Phương Anh