Siết chặt quản lý “rác thải” công nghệ

Môi trường - Ngày đăng : 09:51, 24/09/2019

(TN&MT) - Tổng cục Hải quan vừa ban hành văn bản yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan không làm thủ tục hải quan, thông quan đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được xuất khẩu từ các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường hoặc không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Động thái này một lần nữa ngăn chặn các thiết bị công nghệ lạc hậu nhập khẩu vào việt Nam.

Theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan, trường hợp nghi ngờ máy móc, dây truyền không đáp ứng các tiêu chí phải đưa hàng về bảo quản, niêm phong toàn bộ lô hàng, lập biên bản bàn giao. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm, xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Cấm nhập máy móc cũ quá 10 năm

Tại cuộc họp về việc kiểm soát nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng gây ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, hiện nay, có nhiều trường hợp doanh nghiệp đang sản xuất tại Việt Nam, có nhu cầu nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng để bảo đảm duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, việc nhập khẩu các máy móc, dây chuyền công nghệ lạc hậu vào Việt Nam đã vô tình biến loại hàng hóa này trở thành một nguy cơ lớn cho xã hội và môi trường, đặc biệt, Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á đang là nơi có nguy cơ trở thành điểm đến của rác phế liệu thế giới.

T6
Kiểm soát nhập khẩu thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam. Ảnh: MH

Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 19/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2019 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Quyết định này đã tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ các quy định, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, kiểm soát để bảo đảm ngăn chặn công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Theo đó, chỉ nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và những máy móc, thiết bị này đã qua sử dụng dưới 10 năm tuổi; dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng khi công suất sản phẩm đạt trên 85%, phù hợp với quy định của QCVN về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; mức tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế; công nghệ của dây chuyền công nghệ phải được sử dụng tại ít nhất 3 cơ sở sản xuất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC)… Ngoài ra, có 16 loại máy móc, thiết bị thuộc lĩnh vực cơ khí; sản xuất, chế biến gỗ; sản xuất giấy và bột giấy được nới rộng tuổi thiết bị hơn, từ 15 - 20 năm.

Đổi mới biện pháp kiểm soát nhập khẩu máy móc cũ

Nhiều ý kiến vẫn lo ngại trước chủ trương cho phép nhập khẩu một số máy móc thiết bị, công nghệ cũ. Mặc dù, chủ trương này đã mang lại những lợi ích không nhỏ trong việc đáp ứng nhu phát triển sản xuất và tiêu dùng trong nước nhưng vẫn có những hạn chế nhất định trong việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng của máy móc thiết bị, công nghệ và hàng hóa nhập khẩu, nên không ít các máy móc thiết bị, công nghệ cũ không đảm bảo tiêu chuẩn, các thiết bị mà các quốc gia phát triển thải bỏ đã được nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng qua, cả nước đã chi gần 24 tỷ USD để nhập khẩu các loại máy móc về nước, trong đó, máy móc nhập từ Trung Quốc chiếm kim ngạch lớn nhất với 9,3 tỷ USD, máy móc từ các nước khác như Nhật giá trị 3 tỷ USD, Hàn Quốc trị giá 4,2 tỷ USD, Đức là 1,2 tỷ USD và Mỹ chỉ hơn 700 triệu USD. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2019, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng ước tính nhập khẩu là 3,2 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước.

 Trước tình trạng nhập khẩu máy móc về Việt Nam vẫn có xu hướng gia tăng, một số ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần rà soát, nghiên cứu và hình thành hệ thống đánh giá, cảnh báo kịp thời về tác động của những công nghệ, sản phẩm mới có liên quan tới môi trường, sức khỏe như các sản phẩm biến đổi gen, các sản phẩm sử dụng công nghệ cao, vật liệu mới... để có những biện pháp quản lý phù hợp và kịp thời. Bên cạnh đó, thiết lập một hệ thống rà soát, đánh giá thông tin một cách thường xuyên về tác động của các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ, từ đó, có những quy định phù hợp và kịp thời trong công tác quản lý nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ…

Thực tế hiện nay, công tác thống kê, theo dõi tình hình nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ và các sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng của Việt Nam còn hết sức hạn chế. Một phần quan trọng trong nguyên nhân của tình trạng này là công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với các cơ quan thống kê và hải quan còn hết sức mờ nhạt. Do vậy, cần khẩn trương có sự trao đổi, làm việc cụ thể giữa các Bộ quản lý chuyên ngành trong các lĩnh vực liên quan như Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT... với Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan để có biện pháp thống kê được một cách chính thức và thường xuyên đối với các hàng hóa là máy móc thiết bị, công nghệ cũ và các loại sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều Bộ, ngành. Hiện, Bộ TN&MT đã gửi văn bản đến các ngành liên quan, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng vào Việt Nam. Căn cứ vào hiện trạng, Bộ TN&MT tổng hợp, đề xuất với Chính phủ các giải pháp cấp bách và lâu dài, chủ động kiểm soát việc nhập khẩu hàng hóa, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Thảo Linh