Điện Biên: Uẩn khúc vụ 15 năm theo kiện… đòi lại đất cho ở nhờ
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:13, 23/09/2019
Mất đất vì cho ở nhờ…
Ngày 16/9, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn kiến nghị của ông Đào Đức Sở với nội dung đòi lại đất sau 14 năm theo kiện đòi lại đất cho ở nhờ nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên giải quyết dứt điểm. Báo Tài nguyên và Môi trường đã xác minh để rộng đường dư luận và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Theo nội dung đơn ông Đào Đức Sở trình bày: Năm 1988, khi còn là cán bộ thuộc Huyện đội Điện Biên, ông Đào Đức Sở được UBND huyện Điện Biên (nay là TP Điện Biên Phủ) cấp cho 300m2 đất tại phố Hoàng Công Chất theo Giấy tạm cấp đất số 75/QĐ-CĐ. Khu đất được cấp có phía Bắc giáp nhà ông Phi, phía Nam giáp Xí nghiệp xây lắp nông nghiệp và phía Đông giáp Đồi Cháy, phía Tây giáp gia đình ông Vũ Nam Hải. Vị trí mảnh đất nay thuộc tổ dân phố 22, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ.
Trong quá trình sử dụng, năm 1989, gia đình ông Sở đã khai hoang thêm được hơn 315m2 và tổng diện tích đất gia đình được cấp và khai hoang thêm đã được ghi nhận tại biên bản kiểm tra đất đai và hộ khẩu tại thị xã Điện Biên Phủ ngày 8/9/1993 của Đoàn Thanh tra tỉnh Lai Châu.
Năm 1996, bà Trần Thị Hiên (em dâu họ đằng vợ ông Sở) lên Điện Biên làm kinh tế, ông Sở đã cho bà Hiên mượn một phần trong khuôn viên đất của mình được cấp để bà Hiên ở nhờ. Năm 1999, bà Hiên đề nghị ông Sở cho con nuôi là Hà Duyên Lâm và Nguyễn Thị Nga (gia đình Lâm – Nga) ở nhờ.
Trao đổi với PV, ông Đào Đức Sở cho biết: Việc cho bà Hiên ở nhờ, tôi không làm thành văn bản, không đo diện tích đất vì nghĩ rằng việc cho em dâu ở nhờ làm ăn là chuyện bình thường, hợp đạo lý. Sau bà Hiên có đến nói với gia đinhg tôi rằng: “Em có đứa con nuôi ở sân bay, nó rất tốt với em, lúc em khó khăn nó cho vay tiền để làm ăn, nay nó chưa có chỗ ở thì anh chị cho nó ở nhờ trên đất em đã dựng nhà.” Lúc đó tôi chưa có nhu cầu sử dụng đất nên đã đồng ý.
Tuy nhiên, gia đình ông Sở không hề biết rằng trong thời gian ở nhờ, năm 1996, bà Hiên đã lén lút làm giả giấy tờ chuyển nhượng đất giữa bà và ông Sở (giả mạo chữ ký của ông Sở). Sau đó, năm 1999, bà Hiên tiếp tục làm một hợp đồng chuyển nhượng khác để bán đất cho gia đình Lâm – Nga. Năm 2000, bà Hiên làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất đã trốn đi biệt xứ (đến nay vẫn không có tin tức gì).
Đến năm 2003, khi gia đình Lâm - Nga đưa 1 bản viết tay giấy chuyển nhượng đất giữa ông Sở và bà Hiên đề nghị hoàn thiện các thủ tục để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, ông Sở mới phát hiện thửa đất gia đình cho bà Hiên ở nhờ đã bị chiếm dụng.
Bức xúc trước câu chuyện hàng xóm lâu năm bị mất đất do cho ở nhờ, ông Hà Trọng Thuần, tổ dân phố 22, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Chúng tôi ở tại đất này từ những năm 1980, trước đây, khi chúng tôi về đây chỉ có 4 anh em, mỗi người một góc, đất dài ra tận ngoài kia, trước kia không có đường ngõ tại khu vực này. Diện tích đất đang tranh chấp hiện tại thuộc đất của bác Sở được UBND huyện Điện Biên cấp từ 1988 đất giáp nhà ông Duyên Minh. Tức là đất như cái bánh chưng mà mỗi người một góc, chứ thời điểm được cấp đất bà Hiên không có đất ở khu vực này…
15 năm theo kiện, vụ án chưa có hồi kết…
Bất ngờ vì đất nhà mình cho mượn lại được sang tên đổi chủ cho người khác, cùng với phát hiện giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nhiều biểu hiện vi phạm, ông Sở đã tiến hành kiện gia đình ông Lâm để đòi lại đất của gia đình. Ngày 26/7/2005, Tòa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ đã ra xét xử bản án số 09/2005/DS-ST, bác đơn khởi kiện của ông Sở.
Từ đó đến nay, sau nhiều năm kiên trì gõ cửa các cấp tòa, vụ án tranh chấp đất đai vì cho ở nhờ vẫn chưa có hồi kết. Đến ngày 17/4/2018, vụ án đã được Tòa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ đưa ra xét xử sơ thẩm. Qua xem xét hồ sơ, cũng như trình bày của các bên tham gia tố tụng, Tòa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ đã đưa ra bản án số 07/2018/DS-ST tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đào Đức Sở. Buộc gia đình ông Hà Duyên Lâm và bà Nguyễn Thị Nga phải trả lại đất cho ông Đào Đức Sở thửa đất có diện tích 136.4m2 và phải tháo dỡ toàn bộ phần tường bao có diện tích 73,72m2 do ông Lâm, bà Nga xây dựng trên diện tích đất của ông Sở.
Những tưởng bản án sơ thẩm số 07/2018/DS-ST của Tòa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ sẽ là hồi kết. Tuy nhiên, ngày 27/4/2018, gia đình ông Hà Duyên Lâm và bà Nguyễn Thị Nga lại có đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 07/2018/DS-ST của Tòa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ.
Đến ngày 12/10/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm vụ án và đưa ra bản án số 14/2018/DS-PT tuyên hủy bản án sơ thẩm số 07/2018/DS-ST của Tòa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ vì lý do trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ và chứng minh không theo quy định tại chương VII của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Sau đó, ông Sở tiếp tục kháng cáo. Đến ngày 4/6/2019, Tòa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ đã xét xử sơ thẩm đối với vụ án và có bản án số 07/2019/DS-ST, tuyên y bản án số 07/2018/DS-ST buộc gia đình ông Hà Duyên Lâm phải trả lại đất cho ông Sở và phá dỡ phần tường bao đã xây dựng trên đất. Giao cho ông Đào Đức Sở quản lý phần bếp và công trình phụ trên 136,4m2. Tuyên bố giấy chuyển nhượng nhà đất giữa ông Sở và bà Hiên lập ngày 15/6/1996 và Giấy chuyển nhượng nhà đất giữa bà Hiên và ông Lâm lập ngày 15/1/1999 là vô hiệu.
Như vậy, việc Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên chấp nhận kháng cáo của ông Hà Duyên Lâm và bà Nguyễn Thị Nga chỉ là vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng của Tòa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ. Quan trọng hơn hết là cả 2 bản án số 07/2018/DS-ST, ngày 17/4/2018 và bản án số 07/2019/DS-ST ngày 4/6/2019 của Tóa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ đều khẳng định mảnh đất đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông Đào Đức Sở.
Tuy nhiên, đến ngày 18/6/2019, gia đình Lâm – Nga tiếp tục có đơn kháng cáo với bản án sơ thẩm số 07/2019/DS-ST, ngày 4/6/2019 của Tòa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ. Ngày 30/7/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên lại tiếp tục thông báo thụ lý số 14/TLVA-TA.
Hơn 15 năm qua, ông Đào Đức Sở vẫn phải “miệt mài” đòi đất vì sự “bất nhất” của Tòa án các cấp nhưng đến nay vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Mảnh đất “có chủ” từ đó đến nay bị bỏ không vì vụ án vẫn chưa có hồi kết…
Xét thấy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, UBND tỉnh Điện Biên cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn điều tra giải quyết dứt điểm vụ án theo đúng trình tự pháp luật, lấy lại lòng tin của nhân dân vào sự điều hành của chính quyền và thực thi pháp luật của các cơ quan tố tụng tại địa phương.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.