Ðảm bảo tiến độ và an toàn công trình thủy lợi, thủy điện trước mùa mưa lũ ở Quảng Trị
Tin tức - Ngày đăng : 09:39, 22/09/2019
Nhà máy Thủy điện Hạ Rào Quán có công suất 6,4 MW. Diện tích lưu vực 181,8 km2. Dung tích hồ chứa trên 3 triệu khối. Chiều dài đỉnh đập 16m. Chiều cao đập lớn nhất 25m. Đây là công trình thuộc diện phải quan trắc khí tượng thủy văn theo luật Khí tượng thủy văn. Hiện các hạng mục của công trình hồ chứa đều đảm bảo an toàn.
Đối với công trình Thủy Lợi - Thủy điện Quảng Trị có công suất chiếm hơn 50% các thủy điện trên địa bàn tỉnh này. Thời gian qua công ty đã làm tốt việc vận hành hồ chứa, đảm bảo an toàn, phát điện kinh doanh và phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp. Tại thời điểm hiện nay, lòng hồ đã tích được hơn 110 triệu khối, đạt cao trình 476m. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 4 vừa qua trên địa bàn nhà máy đã xảy ra mưa lớn với lượng mưa đo được gần 1.000 mm nên đã xảy ra 5 điểm sạt lở, trong đó có 1 điểm sạt lở nghiêm trọng với hàng nghìn khối đất, đá sạt lở, nước tràn vào nhà máy gây gián đoạn. Sau 8 ngày triển khai các biện pháp sữa chữa, nhà máy đã khắc phục xong, vận hành phát điện trở lại từ ngày 12/9.
Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị đã có sự chủ động trong việc vận hành đảm bảo an toàn công trình, nhất là đối với Công ty Thủy điện Quảng Trị đã thực hiện điều tiết nước hợp lý giữa phát điện kinh doanh, phục vụ sản xuất nông nghiệp, cắt lũ cho vùng hạ du.
Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp khó lường, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện việc vận hành và điều tiết nước theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình xả lũ đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Có phương án dự trữ vật tư, thiết bị, nhân lực theo kế hoạch để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm 4 tại chỗ.
Nhà máy Hạ Rào Quán cần mở rộng phạm vi tiêu, thoát lũ sau nhà máy để đảm bảo lưu lượng xả lũ bằng với lưu lượng xả lũ thiết kế lớn nhất của công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị. Hoàn thiện các tuyến đường công vụ, tăng cường các biển báo, cảnh báo trong khu vực an toàn lòng hồ. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo các dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định. Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo môi trường, các đơn vị cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền và diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp…
Công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng được khởi công từ tháng 8/2018 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2019, với quy mô đầu tư các hạng mục: Khoan phụt chống thấm hoàn thiện ngưỡng tràn, khoan phụt và gia cố bê tông cốt thép sân tiêu năng đoạn 1 phía bờ Nam, thi công nối tiếp hạ lưu sân tiêu năng phía bờ nam tràn. Do ảnh hưởng bởi mực nước thượng lưu đập và mưa lũ nên đến nay tiến độ thi công gói thầu xây lắp mới đạt 16%.
Công trình sửa chữa, nâng cấp đập Kinh Môn được UBND tỉnh phê duyệt bản vẽ thi công với dự toán hơn 64 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ngân hàng thế giới, gồm các hạng mục: Sửa chữa, nâng cấp đập chính và các đập phụ; cống lấy nước, tràn xả lũ, đường thi công kết hợp quản lý, nhà quản lý, làm mới hệ thống điện phục vụ vận hành và hệ thống quan trắc. Công trình được khởi công từ tháng 5/2019 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2020. Đến nay khối lượng thi công công trình đạt 42%, đảm bảo vượt lũ năm 2019.
Tại các công trình đang thi công, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng: Trong thời gian ngắn, nhưng hầu hết các nhà thầu đã đảm đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng và mỹ thuật công trình, trong đó công trình sửa chữa, nâng cấp đập Kinh Môn đã đảm bảo vượt lũ an toàn là sự nỗ lực lớn. Tuy vậy, khả năng trong các tháng cuối năm nguy cơ mưa bão đổ bộ là rất lớn, nên chủ đầu tư phải đôn đốc các nhà thầu tăng khối lượng công việc tại công trình, nhất là đối với hạng mục ở dưới nước; đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ. Đối với những công trình hồ chứa nhỏ, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, chính quyền các địa phương kiểm tra, vận hành thử các tràn, cống đúng quy trình, phát hiện xử lý ngay những điểm chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật, không được bị động, lúng túng khi mưa lớn xảy ra.
“Với những công trình bị hư hỏng nhưng chưa có điều kiện sửa chữa, phải tiến hành gia cố tạm, công trình nào hư hỏng nặng thì không cho tích nước, đồng thời thành lập Ban chỉ huy phòng chống bão lũ cho từng công trình cụ thể theo phương châm 4 tại chỗ” - ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.