Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho cuộc di dân ra khỏi Kinh thành

Sức khỏe - Ngày đăng : 22:43, 21/09/2019

(TN&MT) - Sau khi dự án hạ tầng kỹ thuật phía bắc Hương Sơ được thi công xong vào giữa tháng 10 này, sẽ có 523 hộ dân đầu tiên trong số hơn 4.200 hộ “sống treo” tại các di tích trong Kinh thành Huế được di dời.
Các khu tái định cư cho người dân ở Hương Sơ đang được triển khai. Ảnh chụp ngày 19/9
Các khu tái định cư cho người dân ở Hương Sơ đang được triển khai khẩn trương


Đảm bảo bàn giao mặt bằng trước mùa mưa

Cuối năm 2019 này, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung giải tỏa khu vực Thượng Thành của Kinh thành Huế với 523 hộ, trong đó có 265 hộ chính và 258 hộ phụ và số hộ có đất nông nghiệp là 270. Các hộ này sẽ di chuyển đến Khu tái định cư phía bắc Hương Sơ (TP. Huế).

Dự án hạ tầng kỹ thuật phía bắc Hương Sơ được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 116 tỷ đồng. Dự án được chia thành 2 khu vực. Khu vực I có tổng mức đầu tư 51 tỷ đồng. Công trình có tổng diện tích xây dựng 4,98ha, được phân thành 216 lô, mỗi lô có diện tích từ 100 - 200m2. Khu vực II với diện tích xây dựng gần 5ha, được phân ra thành 275 lô, mỗi lô có diện tích từ 60 - 150m2, tổng mức đầu tư hơn 65 tỷ đồng.

Những ngày này, theo ghi nhận của PV ở khu vực dự án, các nhà thầu thi công đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu xây lắp.

Ông Hoàng Thiện - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế thông tin, đến giữa tháng 9 này, tiến độ dự án khu vực I đã hoàn thành hơn 85% khối lượng công việc, trong khi khu vực II đã hoàn thành 31%. Dự kiến ngày 15/11 kết thúc thi công xây dựng công trình và bàn giao đưa vào sử dụng.

Về thiết kế nhà mẫu, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế cho hay, đang phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế nhiều mẫu nhà theo lô đất tái định cư và trình Phòng Quản lý đô thị TP. Huế xem xét. Việc xây dựng trường mầm non tại khu vực này cũng đang được Ban phối hợp với Phòng GD&ĐT, tư vấn thiết kế lập chủ trương đầu tư xây dựng trường và đã nộp hồ sơ chủ trương đầu tư tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra tiến độ thi công các khu tái định cư trong ngày 20/9
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra tiến độ thi công các khu tái định cư trong ngày 20/9


“Trong tương lai, khu tái định cư này sẽ được mở rộng lên 63ha, với 3 dự án tiếp theo (khu vực 3, 4 và 5) có khả năng đáp ứng hơn 2.000 lô tái định cư...”, ông Thiện cho hay.

Kiểm tra công tác thực hiện Dự án hạ tầng kỹ thuật phía bắc Hương Sơ trong ngày 20/9, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao nỗ lực của UBND TP. Huế, Ban Quản lý dự án, các nhà thầu đã hoàn thành các công việc đúng tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu cần huy động thêm phương tiện, công nhân nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho người dân trước mùa mưa, qua đó để người dân có thể xây nhà...

“Yêu cầu UBND TP. Huế, Ban Quản lý dự án tổ chức giám sát chặt chẽ tiến độ đầu tư Khu tái định cư khu vưc 1 và 2; có giải pháp tổ chức thi công phù hợp đảm bảo tiến độ đã đề ra, vượt tiến độ sẽ được thưởng. Tăng cường quản lý chất lượng xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo khu dân cư đồng bộ hạ tầng thiết yếu, chất lượng, mỹ quan và cảnh quan môi trường. UBND TP. Huế sớm công bố các thông số xây dựng về cốt nền, độ lùi và chiều cao công trình xây dựng để công khai; nghiên cứu và công bố các mẫu thiết kế xây dựng nhà ở phù hợp để người dân lựa chọn; hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng...”, ông Thọ nhấn mạnh.

Người dân mong muốn sẽ được sớm di dời, ổn định cuộc sống
Người dân mong muốn sẽ được sớm di dời, ổn định cuộc sống

Bố trí 500 tỷ đồng cho dự án di dân

Liên quan đến “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế”, vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã ký ban hành thông báo về kết luận ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại chuyến thăm, làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 17/8 vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đôn đốc Bộ KH&ĐT khẩn trương tham mưu trình Chính phủ bố trí ít nhất 500 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 cho dự án. Đồng thời, lưu ý tiếp tục bố trí vốn cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới nhằm bảo đảm hoàn thành dự án trong nhiệm kỳ tới.

Về đề nghị bố trí sử dụng các nguồn vốn còn dư khác của ngân sách Trung ương như nguồn thu vượt, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách Trung ương, nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm… để thực hiện dự án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ xem xét, có phương án cân đối bố trí để đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đề án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quan tâm chỉ đạo Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội lưu ý kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế khi thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương, hoặc trong quá trình xây dựng dự toán năm 2020 của tỉnh để bổ sung cho dự án...

Theo ông Phan Ngọc Thọ, việc di dời dân cư ra khỏi Quần thể di tích Cố đô Huế là mong muốn từ lâu của tỉnh cũng như người dân trực tiếp sinh sống ở đây. Tuy nhiên do gặp khó khăn về tài chính và các vấn đề liên quan khác nên trong một thời gian dài vẫn chưa thể thực hiện.

“Việc cân đối vốn để thực hiện đề án vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn. Để dự án được triển khai đúng theo tiến độ, đòi hỏi các cấp chính quyền phải có quyết tâm cao, tập trung lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị của bà con để kịp thời giải quyết, không để kiến nghị trở thành khiếu nại. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân nhưng phải đúng pháp luật, việc di dời tái định cư sẽ được thực hiện công khai, công bằng, minh bạch để người dân biết. Điều quan trọng là bà con phải phát huy tinh thần đoàn kết, không nghe tác động bên ngoài...”- ông Thọ nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế về nơi ở mới phải thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân. Trong đợt di dân đầu tiên này phải làm thật tốt, tạo được niềm tin trong nhân dân, tạo tiền đề tốt cho các đợt tiếp theo...


Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng 2.735 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và vốn vay Kho bạc Nhà nước.

Dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 201 - 2021 hoàn thành di dời ở các khu vực tường hành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ với 2.938 hộ dân. Kinh phí giải phóng mặt bằng 1.880 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư 946 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2022 - 2025 dự kiến hoàn thành di dời ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài… với 1.263 hộ dân. Kinh phí giải phóng mặt bằng 855 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư 416 tỷ đồng.

 

Văn Dinh