Vai trò của các dự án năng lượng tái tạo trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:01, 21/09/2019

(TN&MT) – Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, ngành năng lượng Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện thành công các chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông rộng lớn. Những tác động tiêu cực về BĐKH ngày một lớn, khó lường ở nhiều lĩnh vực và địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Đây được đánh giá là một trong những nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm mất đi nhiều thành quả mà nước ta đã nỗ lực đạt được trong nhiều năm qua.

nang luong tai tao voi bien doi khi hau
Các dự án năng lượng tái tạo sẽ góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính (ảnh minh họa)

Việc phát triển các nguồn năng lượng truyền thống là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hiệu ứng nhà kính – vốn là tác nhân trực tiếp gây BĐKH. Do đó để giảm thiểu hiện tượng này, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo; nâng cao khả năng sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Đây là xu thế chung để giải quyết vấn đề phát triển năng lượng bền vững, giảm ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH.

Tại Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu mà một trong những nội dung quan trọng là: Đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các công nghệ sản xuất năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học, năng lượng vũ trụ; xây dựng và triển khai rộng rãi các chính sách huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội trong ứng dựng và nhân rộng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Được biết, Quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước gia tăng tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối …) trong cơ cấu nguồn điện đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030.

Tuy nhiên, TS. Vũ Minh Pháp, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: “Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng công suất lắp máy của các nhà máy điện mặt trời đã vận hành đã lên tới 4.464 MW tính đến hết tháng 6/2019. Đối với các dự án điện gió đã đi vào hoạt động là khoảng 300MW. Năng lượng tái tạo đã chiếm cơ cấu xấp xỉ 10% trong cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam. Như vậy quy mô này đã vượt nhiều so với quy mô đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Từ năm 2006, Việt Nam cũng đã xây dựng và thực hiện thành công các chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”.

TS. Vũ Minh Pháp nhấn mạnh: “Như vậy, có thể thấy ngành năng lượng Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc ứng phó với BĐKH. Trong thời gian tới, Chính phủ với sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đưa ra những chủ trương, chính sách hợp lý, thiết thực để có thể khắc phục những khó khăn, hạn chế đang tồn tại và đạt được những kết quả tốt hơn trong việc ứng phó với BĐKH”.

le hong tinh
ĐBQH Lê Hồng Tịnh cho rằng thị trường điện cần phải cạnh tranh công bằng hơn nữa

Trao đổi về những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, ĐBQH Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu: “Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những chính sách hỗ trợ phát triển ngành năng lượng tái tạo nhằm góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH. Có thể thấy, chính sách đối với vấn đề này chưa thực sự tốt vì tất cả vẫn đang tập trung vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mặc dù chúng ta đã có lộ trình phát triển thị trường điện 3 cấp độ (phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện canh tranh  - PV) nhưng sự chuyển mình của EVN rất chậm. Tôi nghĩ chúng ta cần phải bắt đầu từ chính sách pháp luật mà sắp tới cần phải tái cơ cấu EVN. Ví dụ chúng ta cần phải tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia hay Công ty mua bán điện ra khỏi EVN. Không thể có chuyện anh vừa điều hành vừa tham gia vào thị trường, vừa mua vừa bán điện như vậy. Điều đó sẽ dẫn đến việc giảm cạnh tranh thị trường và mất bình đẳng trong việc sản xuất, mua, bán điện và không hấp dẫn nhà đầu tư. Những điều trên đây đều nằm trong lộ trình mà chúng tôi đang sửa luật để tiến tới một thị trường điện cạnh tranh hơn”.

PGS.TS. Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang gặp nhiều rào cản mà rào cản lớn nhất là việc nhà nước trợ giá, trợ thuế cho ngành năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện …).

Lưu Duc Hai
PGS.TS. Lưu Đức Hải chỉ ra những rào cản để ngành năng lượng tái tạo phát triển


TS. Lưu Đức Hải phân tích: “Hiện nay điện từ các dự án thủy điện có giá rẻ nhất (khoảng hơn 1.100 đồng/kWh) nhưng muốn làm thủy điện thì chúng ta phải có hồ chứa rộng lớn. Điều này kéo theo việc mất đất, mất rừng, mất tài nguyên trong lòng đất và có tác động xấu tới môi trường. Tuy vậy các yếu tố trên lại chưa được hạch toán vào giá thành thủy điện. Hay như các dự án nhiệt điện cũng vậy. Trong khi xăng dầu phải chịu thuế môi trường từ 3000 – 4000 đồng/lít thì thuế môi trường áp dụng đối với mỗi kg than để sản xuất nhiệt điện chỉ là từ 20 – 50 đồng. Tôi cho rằng đây là hình thức trợ thuế và trợ giá khiến cho ngành năng lượng tái tạo khó phát triển và nhiệm vụ trước mắt là chúng ta cần tăng thuế môi trường đối với nhiệt điện và thủy điện. Một số người sẽ lo lắng nếu tăng thuế thì giá điện sẽ tăng nhưng tôi cho rằng nhà nước có nhiều cách để xử lý việc này. Chẳng hạn như chúng ta có thể trợ giá điện sinh hoạt trong khi điện kinh doanh thì sòng phẳng với nhau. Việt Nam hiện nay là nước có giá điện thuộc hàng rẻ nhất khu vực. Vì thế việc tăng thuế môi trường với ngành năng lượng truyền thống sẽ giúp ngân sách vừa có thêm nguồn thu, vừa tạo điều kiện khuyến khích ngành năng lượng tái tạo phát triển”.

Như vậy có thể thấy vai trò của các dự án năng lượng tái tạo trong việc ứng phó với BĐKH rất quan trọng. Chúng ta đã đi đúng hướng nhưng nếu những vướng mắc tiếp tục được tháo gỡ, các chuyên gia đều tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp nhiều thành quả hơn nữa trong việc ứng phó với BĐKH toàn cầu.

Phạm Văn