Trong mùa lũ miền Tây lo xâm nhập mặn vào mùa khô

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:27, 20/09/2019

(TN&MT) - Những ngày này, dù nước lũ đang về nhưng miền Tây nhưng chúng ta vẫn đang phải lo vấn nạn xâm nhập mặn có thể xảy ra vào mùa khô sắp tới…
n1
Cuối tháng 8, cao điểm mùa mưa nhưng mực nước tại Tân Châu vẫn thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 10 - 30%

Đỉnh lũ thấp hơn mức trung bình nhiều năm

Đầu tháng 9, theo thường lệ là đã vào cao điểm mùa mưa, diện tích ngập nước vùng biển hồ Campuchia (Tonlesap) từ 4.700km2 đã phải nở ra gấp 4 lần (khoảng 16.000km2) và từ đây nước lũ đã theo hai chỉ lưu sông Tiền, sông Hậu tràn về miền Tây. Thế mà Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh (nguyên Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ, hiện là Chuyên gia nghiên cứu độc về môi trường sinh thái lưu vực Mekong), trực tiếp có mặt tại Tonlesap, ghi nhận mực nước thấp bất thường.

“Tôi đến biển hồ ngày 4/9, lúc này nước từ sông Mekong đã đổ vào Biển hồ khá mạnh và đục màu đỏ phù sa. Tôi hỏi người địa phương thì họ cho biết nước về được vài ngày nhưng so với thường thấy nhiều năm thì còn thấp hơn khoảng 2-3m. Biển hồ có tác dụng điều tiết nước cho ĐBSCL đặc biệt là khi có hiện tượng cực đoan như lũ lụt và hạn hán xảy ra trên sông Mekong nhưng Biển hồ có vẻ đang cạn dần nên khả năng điều tiết nước cho vùng ĐBSCL không còn như xưa nữa” - ông Vinh cho biết.

Nước lũ sông Mekong về Biển hồ muộn và ít hơn thường lệ, nên mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cũng thấp kỷ lục. Đầu tháng 9, mực nước sông Tiền, sông Hậu cơ quan chức năng ghi nhận tại các trạm Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 0,18m - 1,31m. Và đến ngày 13/9, lũ mới về ĐBSCL nhưng ngày 17/9 thì mực nước tại các trạm đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu cũng chỉ đạt trên mức báo động 1 từ 0,07m đến 0,13m.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang thông báo dù đã có nước về nhưng mực nước cao nhất vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu vẫn chưa đạt đến mức báo động 1 (BĐ1). Đỉnh lũ năm nay có thể xuất hiện vào thời kỳ đầu đến giữa tháng 10 nhưng cũng chỉ ở mức BĐ1 (BĐ1 tại Tân Châu là 3,5m, Châu Đốc 3m), thấp hơn đỉnh lũ năm 2018 và trung bình nhiều năm.

n2
Thạc sỹ Kỹ Quang Vinh chụp ảnh ghi nhận mực nước tại Biển hồ Campuchia vào ngày 4/9/2019

Chủ yếu do khí hậu, thời tiết

Liên quan đến nguyên nhân lưu lượng nước về miền Tây suy giảm, trao đổi với chúng tôi, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện (Chuyên gia độc lập nghiên cứu về môi trường sông Mekong), cho rằng nếu các đập thủy điện của Trung Quốc có đóng hết cũng có phần tác động đến hạ lưu vực nhưng thật ra Trung Quốc và Myanmar chỉ góp khoảng 18% tổng lượng nước sông Mekong.

Ông Thiện dẫn chứng cụ thể rằng trong tổng lượng nước sông Mekong (khoảng 470 tỉ khối/năm) thì 82% được góp từ các quốc gia hạ lưu vực. Cụ thể, nhiều nhất là Lào góp 35%; Thái Lan và Campuchia mỗi quốc gia góp 18%; riêng Việt Nam, góp khoảng 11% (từ hệ thống sông Sê San, Srê-pôk trên Tây nguyên chảy xuống hợp lưu với sông Sê Kong đổ ra dòng chính sông Mekong và lượng mưa tại đồng bằng sông Cửu Long).

Theo ông Thiện, vấn đề là 82% tổng lượng nước ở hạ lưu vực sông Mekong là nước mưa nên phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết. Đáng lo ngại, năm nay có thể lặp lại hiện tượng El Nino nhẹ nên đầu mùa lượng mưa phía thượng nguồn rất thấp đặc biệt là vùng Đông Bắc Thái Lan và Lào, vùng Tam Giác Vàng có đoạn sông trơ đáy.

n3
Khi nước lũ đã về đầu nguồn sông Cửu Long và dự báo sẽ xuống dần trong vài ngày tới thì ở cuối nguồn Cửu Long mực nước trên sông Xà No chưa có biến đổi đáng kể

Cần chú trọng vận hành hệ thống thủy lợi trữ nước, ngăn mặn

Trước diễn biến phức tạp về thời tiết và thủy văn trên sông Mekong, cùng với khuyến cáo các địa phương theo dõi sát và có phương án phòng chống lũ diễn biến phức tạp, bất thường, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ về xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 vẫn ở mức cao, các tỉnh ở đồng bằng Nam bộ cần sớm có xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn để chủ động ứng phó với tình hình thực tế trong thời gian tới.

Theo đó, trước mắt, việc phối hợp vận hành hệ thống thủy lợi sẵn có để trữ nước ngọt, ngăn nước mặn cần được các địa phương triển khai thực hiện ngay từ lúc này. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi đầu nguồn sẵn có trong vùng Tứ giác Long Xuyên và các cống vùng ven biển Tây rất cần được tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang chú trọng phối hợp vận hành đồng bộ, để chủ động sẵn sàng phục vụ trữ ngọt, ngăn mặn cho vùng An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ vào mùa khô sắp tới.

Về biện pháp cơ bản lâu dài ứng xử với tình hình mực nước sông Mekong nói riêng và thích ứng BĐKH nói chung, Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh, đề xuất: “ĐBSCL cần chủ động hơn trong quản trị và sử dụng nguồn nước không nên để quá phụ thuộc nguồn nước từ thượng nguồn, từ bên kia biên giới. Điều đó cần có một hệ thống công trình và phi công trình đề trị lụt, chống hạn - xâm nhập mặn; chống lún đất và bảo đảm nguồn nước sạch cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cơ bản của người dân chứ không phải chỉ là những khuyến cáo nên trồng gì, nuôi gì như chính sách hiện nay”.

Hùng Long