Cần Thơ: Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:43, 19/09/2019

(TN&MT) - Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông; TP. Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án ứng phó thiết thực, hiệu quả.
CT
Khi công trình xây dựng, cải tạo hồ Bún Xáng hoàn thành sẽ giúp TP. Cần Thơ nâng cao năng lực điều hòa nhiệt độ, ứng phó ngập lụt cho khu vực nội thị

Triển khai các công trình, dự án

Theo UBND TP. Cần Thơ, trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), TP. Cần Thơ đã quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống đê bao sông, rạch các khu vực sản xuất nông nghiệp và quy hoạch chi tiết các trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố đến năm 2020; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ cũng đã triển khai nhiều dự án có quy mô lớn, sử dụng từ nhiều nguồn vốn khác nhau, điển hình như: công trình xây dựng, cải tạo Hồ Xáng Thổi, Hồ Bún Xáng. Đồng thời, các dự án làm bờ kè chống sạt lở, ứng phó với BĐKH cũng đã được TP. Cần Thơ triển khai ở sông Cần Thơ, sông Ô Môn, rạch Cam, rạch Cái Sơn, sông Thốt Nốt.

Nhằm củng cố và phát triển hệ thống quan trắc nước mặt, chuyển tải thông tin chất lượng nguồn nước, độ mặn đến người sử dụng, TP. Cần Thơ đã triển khai xây dựng nhiều trạm quan trắc tự động, trong đó trọng tâm là lắp đặt 8 trạm quan trắc tự động độ mặn thuộc dự án nâng cao khả năng chống chịu ứng phó với xâm nhập mặn do BĐKH gây ra. Các trạm quan trắc này được đặt tại các khu vực trọng yếu như: Cảng Cái Cui (quận Cái Răng), sông Cần Thơ (quận Ninh Kiều), cảng Cần Thơ (quận Bình Thủy), sông Ô Môn (quận Ô Môn), sông Cái Sắn (huyện Vĩnh Thạnh), kênh Xà No (huyện Phong Điền)…

Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở TN&MT TP. Cần Thơ, các trạm quan trắc độ mặn của dự án đã cảnh báo nhanh về diễn biến độ mặn ở các sông chính của thành phố. Những thông tin, dữ liệu về độ mặn xuất hiện trên các sông có lắp đặt trạm đo đều được chuyển tải, cung cấp kịp thời đến các sở, ngành liên quan và người dân, từ đó chủ động đề ra các biện pháp ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Qua đó cho thấy, việc triển khai hàng loạt công trình, dự án nêu trên thể hiện rõ quyết tâm của TP. Cần Thơ trong việc cải thiện, nâng cấp các công trình, từ đó góp phần ứng phó hiệu quả trước tình hình sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn, ngập lụt, sụt lún, đồng thời cải thiện môi trường,… đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân của thành phố

Nâng cao khả năng chống chịu

Để chủ động nâng cao khả năng ứng phó với các rủi ro, phát triển bền vững, tháng 12/2016, TP. Cần Thơ đã khởi động Dự án 100 thành phố có khả năng chống chịu (100 RC). Sau nhiều nỗ lực, đến nay kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu đến năm 2030 của TP. Cần Thơ đã được hoàn thành.

Mới đây TP. Cần Thơ đã công bố kế hoạch nâng cao khả năng chống chịu xoay quanh 4 lĩnh vực cùng một số hành động ngắn hạn và dài hạn, gồm: chiến lược, chính sách và cơ chế phối hợp; hạ tầng và môi trường; kinh tế - xã hội; sức khỏe và phúc lợi. Theo đó, kế hoạch nâng cao khả năng chống chịu của thành phố đề xuất hướng cơ sở hạ tầng xanh nhằm hướng tới các giải pháp hạ tầng đa chức năng, vừa có thể phục vụ mục tiêu hạ tầng như: giao thông, kè ngăn lũ, hồ nước, vừa có mục tiêu giảm thiểu ngập lụt hay giảm thiểu tác động môi trường.

Về kinh tế - xã hội đã tiếp cận theo hướng đánh giá các rủi ro do cú sốc và áp lực lên các chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực của TP. Cần Thơ như: nông thủy sản, du lịch sinh thái. Qua đó, xác định được các mắt xích trong chuỗi giá trị dễ bị tổn thương để đưa ra các hành động nâng cao khả năng chống chịu của từng mắt xích đó. Còn đối với sức khỏe và phúc lợi, tập trung vào các nhóm cư dân dễ bị tổn thương nhất với các cú sốc và áp lực nói trên, giúp họ ổn định và phát triển sinh kế.

Với tầm quan trọng của 4 lĩnh vực nêu trên, TP. Cần Thơ đã và đang chủ động đầu tư, thông qua các nguồn ngân sách tương ứng, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của Chính phủ, của các tổ chức phi Chính phủ, cơ quan tài trợ trong và ngoài nước để thực thi các hành động được nêu trong kế hoạch nâng cao khả năng chống chịu của thành phố. Ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch, TP. Cần Thơ cũng đã chỉ đạo quận Ninh Kiều đầu tư thí điểm một công trình về hạ tầng xanh tại công viên khu dân cư Thới Nhựt và bước đầu đã đạt đượng nhiều kết quả tích cực.

Hiện tại, Văn phòng 100 RC Cần Thơ đang tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành và các cơ quan tài trợ trong và ngoài nước xây dựng đề án chi tiết, qua đó tìm nguồn vốn cũng như hỗ trợ kỹ thuật để tiến hành các hoạt động để hướng tới mục tiêu xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố ven sông xanh, bền vững, năng động, hội nhập và là nơi người dân được sống an toàn, thịnh vượng và không ai bị bỏ lại phía sau.

T.Chinh