Đi tìm lời giải

Môi trường - Ngày đăng : 10:17, 19/09/2019

(TN&MT) – Bất cập từ “ống rác chung cư” không thể thay đổi triệt để do nguyên nhân xuất phát từ thiết kế của tòa nhà. Để khắc phục tình trạng này, cần sự chung tay của cả hệ thống ban quản lý tòa nhà, ban quản trị và toàn bộ cư dân vì một môi trường sống xanh – sạch – đẹp.

Giải pháp tình thế

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo - Truyền thông Tổng Công ty HUD cho biết, Ban quản trị và đơn vị vận hành tòa nhà (do Ban quản trị tòa nhà thuê) có trách nhiệm trong việc quản lý vận hành, giữ gìn vệ sinh của phòng rác, hố đổ rác theo quy định.

“Trên thực tế, đối với một số chung cư tại thời điểm chưa bàn giao cho Ban quản trị, với vai trò Chủ đầu tư, HUD (thông qua Công ty HUDS) đã chủ động tăng cường bố trí hệ thống vòi vệ sinh, lắp đặt bổ sung hệ thống thông hơi, gia cố tăng cường độ kín khít của các cửa miệng đổ rác... để hạn chế, khắc phục các bất cập nói trên” - ông Thắng nói.

anh 5 1
Điểm tập kết rác ngay sát khu chung cư

Về vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Hòa, Trưởng Ban quản trị tòa nhà CT1B, KĐT Văn Quán (Hà Đông) cho biết, Ban quản trị tòa nhà đã thực hiện một số giải pháp để giảm thiểu tối đa vấn đề phát sinh mùi. Cụ thể, người dân đã góp tiền để làm cửa vách ngăn tới cửa phòng đổ rác, nghiên cứu làm lại cửa bên trong và cửa bên ngoài nhà rác, lắp bóng điện bên trong, dọn rửa hầm chứa sau mỗi lần thu gom rác...

Hay như ở tòa CT2A, KĐT Văn Quán, người dân đóng góp chi phí lắp một loạt hệ thống cửa nhà rác ở các tầng có nắp kéo tự động đảm bảo không có mùi từ ống đổ rác thoát ra. Đồng thời, thuê người phun diệt côn trùng định kì 1 - 2 lần/năm.

“Đặc biệt, các hộ dân trong tòa nhà đã hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, tách riêng rác sinh hoạt và rác tái chế được. Với rác sinh hoạt, họ thả qua ống thu gom rác chung, với rác tái chế được họ gom riêng và đưa cho công nhân vệ sinh. Có được sự tiến bộ như vậy, nhờ ý thức, sự nỗ lực của người dân và tuyên truyền, vận động tích cực của Ban quản trị”, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Ban quản trị nhà CT2A, KĐT Văn Quán nói.

Ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội: Phải thực hiện được phân loại rác tại nguồn 

Trong quy trình thu gom rác, chúng tôi đã đề nghị thu gom tại tầng bởi vì ném rác qua ống thông xả rất nguy hiểm. Có những trường hợp không cố ý nhưng trong bịch rác đã có những vật dễ cháy, để lưu cữu phát sinh metan, tự bốc cháy và gây hỏa hoạn. Không những thế, vấn đề mất vệ sinh rất nghiêm trọng, mùi rác để lâu xông thẳng lên các tầng và đi ra đường thoát khí.

Chúng ta nâng cao ý thức tại các khu vực của tòa nhà chung cư, những khu đô thị. Đặc biệt, tập trung thùng phân loại rác màu xanh, màu vàng để phân loại rác hữu cơ và vô cơ.

Bên cạnh đó, ở nhiều tòa chung cư, để hạn chế, giảm thiểu mùi gây ô nhiễm môi trường, ban quản lý tòa nhà đã lắp cửa hút gió trên nóc tầng cao nhất mỗi tòa nhà. Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân trong việc phân loại rác tại nguồn và các nguy hiểm tiềm tàng trong việc đổ chung tất cả rác cũng rất quan trọng, qua đó, giúp nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.

Cần phối hợp chặt chẽ

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, việc giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường hệ thống ống đổ rác, nhà thu gom rác, các Ban Quản trị tòa nhà, đơn vị vận hành tòa nhà và cư dân cần có sự phối hợp chặt chẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động triệt để trong việc xử lý rác ngay từ nguồn (hạn chế đưa rác thải ướt, buộc chặt dụng cụ chứa rác trước khi cho vào ống…), duy trì thường xuyên, đúng lịch vệ sinh phòng rác, kịp thời thu gom rác thải (không để rác lâu, bốc mùi hôi) đưa đến nơi xử lý tập trung.

“Việc xử lý triệt để các bất cập của hệ thống đổ rác hoặc thay thế bằng hệ thống thu gom rác theo phương thức khác cần sự đồng thuận của người dân để đóng góp kinh phí và tổ chức triển khai thực hiện” - ông Thắng nói.

Được biết, nhằm khắc phục những hạn chế bất cập của “ống rác chung cư”, thời gian gần đây, hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải chung cư được thiết kế và đầu tư xây dựng phù hợp với việc bố trí phòng đổ rác tại từng tầng, ở vị trí thích hợp, có các cửa ngăn đảm bảo kín khít, hệ thống thông gió, cấp nước đảm bảo vệ sinh.

Việc đổ rác vào các thùng đặt trong phòng rác của cư dân tại từng tòa nhà sẽ được thực hiện theo hướng dẫn và quy định của đơn vị dịch vụ (hoặc Ban quản trị tòa nhà). Sau đó, các thùng rác sẽ được chuyển theo thang máy riêng xuống tầng 1 hoặc tầng hầm vào thời điểm phù hợp trong ngày rồi được xe chuyên dụng vận chuyển đến địa điểm tập kết, xử lý rác theo quy định.

Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc URENCO:Cần có ống rác tái chế

Hệ thống ống rác chung cư hiện nay tạo sự tiện lợi nhưng dễ phát sinh mùi hôi. Do vậy, phải thiết kế cả khử mùi và triển khai khử khuẩn, khử trùng định kỳ. Nếu các chung cư thiết kế 2 ống để phân loại rác được thì rất tốt. Chúng ta có thể thiết kế thành ống rác tái chế và ống rác sinh hoạt riêng biệt. Trong đó, ống rác tái chế quản lý dễ dàng hơn, thậm chí có thể thu gom và bán được; ống rác sinh hoạt dễ phát sinh mùi, khí, mầm bệnh... khó quản lý hơn.

Thực tế, trong thiết kế nhà chung cư, chúng ta chưa coi trọng hệ thống thu gom rác. Nói rộng ra, chúng ta mới chỉ bàn đến quy hoạch các điểm xử lý chứ chưa bàn đến quy hoạch hệ thống thu gom. Tất cả đều đổ ra đường nên mới dẫn đến cảnh tượng nhếch nhác như vậy.

KTS Lê Xuân Tiến - Giám đốc Công ty CP Kiến trúc Xây dựng thương mại MPT: Lưu ý trong vận hành ống rác chung cư

Người dân nên phân loại rác thành từng loại, đóng thành từng túi ni lông trước khi xả ra; không nên xả trực tiếp hoặc vứt các vật cồng kềnh làm ảnh hưởng đến sự lưu thông, vệ sinh, cháy nổ; không đưa các chất ngậm lửa vào hệ thống thu gom rác. Người dân phải được thông báo không đổ rác tại thời điểm đang vệ sinh đường ống thu gom rác.

Ban quản lý chung cư phải có kế hoạch cụ thể thông báo, phổ biến và hướng dẫn cho các hộ gia định sinh sống tại chung cư trong tòa nhà để các hộ dân cư biết cụ thể quy định, quy tắc hoạt động của hệ thống thu gom rác chung cư.

Tuyết Chinh