Thiết lập khung pháp lý vững chắc bảo vệ môi trường bền vững: Giải quyết những vấn đề từ thực tiễn quản lý môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 10:08, 17/09/2019

(TN&MT) - Bộ TN&MT cho biết, công tác sửa đổi Luật BVMT hướng đến 3 mục tiêu là thiết lập một khung pháp lý dài hạn, phù hợp cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn mới; đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững theo định hướng và chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập quốc tế về kinh tế hiện nay và trong tương lai.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Bộ TN&MT được Chính phủ giao thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật BVMT, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2020. Bộ mong muốn tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm xây dựng chính sách pháp luật về BVMT của các quốc gia trên thế giới nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về môi trường của Việt Nam. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị, các tổ chức, chuyên gia quốc tế và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Bộ trong quá trình sửa đổi Luật BVMT và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan.

Sẽ sửa đổi, bổ sung ít nhất 12 nội dung

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, Luật BVMT năm 2014 sẽ sửa đổi, bổ sung các khái niệm cơ bản; khung chính sách môi trường; tiêu chí môi trường trong xem xét chủ trương, quyết định đầu tư, áp dụng chế độ kiểm soát quản lý về môi trường; đánh giá tác động môi trường; cấp phép môi trường; kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải rắn; quản lý chất lượng môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực tài chính cho BVMT; nội dung, trách nhiệm và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước; ứng phó với BĐKH, tác động xuyên biên giới và một số chính sách khác.

T8aaaa(1)
Sửa đổi Luật BVMT hướng đến 3 mục tiêu phù hợp cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Ảnh: HM

Việc sửa đổi Luật lần này sẽ tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh một số vấn đề mới phát sinh; khắc phục những tồn tại trong thực tế. Cụ thể, hiện nay, các loại thuế, phí BVMT, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường còn những điểm chưa phù hợp, chưa hướng đến mục đích BVMT. Các quy định hiện hành chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động BVMT. Thời gian qua, phát sinh nhiều sự cố ô nhiễm, suy thoái môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, bùng phát các điểm nóng về môi trường do xả thải nhưng chúng ta vẫn chưa có cơ sở pháp lý về cơ chế, các tiêu chí sàng lọc, phân loại, phân luồng các hoạt động phát triển (dự án đầu tư) theo mức độ tác động môi trường; cơ chế tăng cường kiểm soát đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường. Do đó, cần bổ sung các quy định mới để giải quyết thực tiễn quản lý môi trường đang đặt ra bức thiết.

Bên cạnh đó, trách nhiệm, phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về BVMT còn chưa hợp lý, thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn, nhất là đối với việc quản lý rác thải đô thị, nông thôn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố môi trường. Mặc dù, các nội dung BVMT được quy định ở nhiều luật khác nhau (như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch, Luật Phí và lệ phí…), song, còn khoảng trống chưa được quy định. Chẳng hạn, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, hồ sơ dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, của Quốc hội phải có đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp BVMT. Tuy vậy, Luật BVMT không có quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Quy định không thống nhất này đã gây vướng mắc cho chủ dự án trong quá trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tiếp thu ý kiến, kinh nghiệm trong và ngoài nước

Để xây dựng, hoàn thiện Luật BVMT năm 2014 sửa đổi, Bộ TN&MT đã tham vấn rộng rãi các bên liên quan. Nghiên cứu Luật của một số quốc gia như Hà Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Đức… Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức rà soát, đánh giá các bất cập, hạn chế của Luật BVMT và các quy định pháp luật về BVMT trong các luật khác có liên quan; phân tích bối cảnh, yêu cầu quản lý và BVMT trong thời gian tới.

Mới đây, Bộ đã tổ chức Hội thảo tham vấn đối tác quốc tế về các định hướng chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT. Ông J#rg Rüger, đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Hà Nội chia sẻ, nước Đức đề cao trách nhiệm BVMT thông qua sản xuất sạch hơn, cho tới nay, 80% nước thải của ngành công nghiệp dệt được xử lý trước khi đổ vào sông. Để làm được điều này, nước Đức đã xây dựng một loạt các chính sách môi trường hỗ trợ tăng trưởng xanh, sử dụng các công cụ kinh tế để cải thiện định giá môi trường đối với các tác nhân bên ngoài và triển khai các quy định môi trường nghiêm ngặt theo phương thức truyền thống song song với thực hiện cam kết quốc tế.

Cụ thể, Đức đã xây dựng đạo luật quản lý chất thải và tái sử dụng chất thải cũng như chương trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, đồng thời, cùng với các các nước trong Liên minh Châu Âu thực hiện Chỉ thị 2010/75/EU về khí thải công nghiệp. Đây là công vụ chính để kiểm soát nguồn khí thải tĩnh. Trong đó, yêu cầu các cơ sở có hoạt động liên quan đến môi trường phải có giấy phép hoạt động tích hợp gồm giá trị các giới hạn phát thải, các yêu cầu kỹ thuật phù hợp, các yêu cầu giám sát, nghĩa vụ báo cáo kết quả giám sát phát thải cho cơ quan có thẩm quyền, điều kiện đánh giá tuân thủ các điều kiện giấy phép. Các giá trị giới hạn phải đảm bảo trong điều kiện hoạt động bình thường, không vượt quá mức phát thải liên quan đến các kỹ thuật tốt nhất hiện có….

Còn ông Văn Ngọc Thịnh, đại diện WWF đề nghị bổ sung vào Luật các quy định về hợp tác khu vực và toàn cầu trong thực hiện các hoạt BVMT. Và cam kết sẽ phối hợp với Bộ để sửa đổi, bổ sung Luật BVMT, đặc biệt là trong các lĩnh vực quản lý chất thải rắn, quản lý chất lượng môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên gia cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề xuất sử dụng Khung Môi trường - Xã hội (MTXH) của Ngân hàng Thế giới làm nền tảng để tăng cường năng lực triển khai đảm bảo môi trường và xã hội - thông qua các trung tâm đào tạo/tập huấn hiện hành ở Việt Nam; sử dụng phát hiện qua đánh giá Khung MTXH của quốc gia làm bài học rút ra - có thể áp dụng trong chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư của Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới, bao gồm cả các dự án trung gian tài chính; sử dụng phát hiện qua đánh giá Khung MTXH của quốc gia để khuyến nghị cụ thể cho sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định về đánh giá MTXH ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Luật BVMT năm 2014 sửa đổi sẽ tiếp tục cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về BVMT. Đó là, mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành mạnh và có nghĩa vụ BVMT; Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động BVMT, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.

 Quán triệt và vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho môi trương; đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT...

 

Mai Chi