Cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Trong nước - Ngày đăng : 16:44, 16/09/2019
Báo cáo tờ trình dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước. Qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi, hiện hoạt động PPP và nội dung lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và Luật Đấu thầu, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.
Tính đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, qua đó, huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Những dự án PPP (loại hợp đồng BOT, BT...) trong thời gian đầu triển khai đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy việc triển khai các dự án PPP còn một số tồn tại, bất cập. Trong đó, báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án BOT giao thông đang trong quá trình thực hiện hợp đồng nêu rõ, các dự án BOT thực hiện theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP đang cho thấy nhiều bất cập.
Cụ thể, hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Công tác công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai. Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo.
Đồng thời, còn nhiều bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí; Người dân không có sự lựa chọn đối với các tuyến đường độc đạo, tuyến chỉ nâng cấp, cải tạo; Cơ chế giám sát đặc biệt là các cơ chế giám sát doanh thu của nhà đầu tư, chế tài xử lý vi phạm của nhà đầu tư cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu, chưa chặt chẽ; Thiếu quy định về trình tự, hình thức tham vấn của chính quyền địa phương với các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án...
Trong khi đó, các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất cũng đã bộc lộ nhiều bất cập tương tự như các dự án BOT giao thông được nêu trên về công tác công bố dự án, chủ yếu áp dụng chỉ định thầu, bất cập trong công tác giám sát... Bên cạnh đó, công tác xác định giá trị quỹ đất để thanh toán còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán, gây bức xúc trong xã hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về mặt chính sách pháp luật, quy định về PPP cần phải được hoàn thiện, nâng cấp bởi quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, trong khi Nghị định này chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... Tuy nhiên, quy định tại các Luật này được xây dựng hướng tới dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân thuần túy, nhưng do pháp lý về PPP ở cấp Nghị định nên không thể trái Luật.
Hơn nữa, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Hiện khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công.
“Do vậy, việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh hiện nay của đất nước và tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế, Dự thảo Luật đã được nghiên cứu và hoàn thiện nhằm mục đích: Thể chế hóa các định hướng chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua phương thức đầu tư PPP nói riêng; Xây dựng khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho việc thực hiện dự án PPP; xử lý các mâu thuẫn, khác biệt giữa quy định hiện hành về PPP với các Luật khác; Đảm bảo quy định của Luật phù hợp với các cam kết trong điều ước quốc tế về đầu tư, thương mại mà Việt Nam là thành viên;
Đồng thời, đảm bảo dự án khi đưa vào triển khai tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường; Thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân; Sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước (vốn, ưu đãi, bảo đảm đầu tư) để tạo niềm tin, thu hút khu vực tư nhân; Đảm bảo tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản; Phát huy các quy định về PPP đã triển khai hiệu quả, đảm bảo thông lệ quốc tế trong thời gian qua; hoàn thiện, đổi mới nhưng tránh xáo trộn khung thể chế về PPP để không làm ảnh hưởng các dự án đang triển khai hoặc chuẩn bị đầu tư.
Khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là một dự án Luật khó, ở phạm vi rộng, quy mô lớn cần được tính toán, thẩm tra trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng tất cả nội dung, có những điểm cần tính toán thêm, hoàn thiện lại dự án luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ, tổng kết sâu sắc hơn 20 năm thực hiện PPP. Đồng thời, làm rõ tên gọi, sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh của luật, đối tượng, hình thức áp dụng, quy mô đầu tư, phân loại đầu tư... Đặc biệt, tập trung làm rõ tính cụ thể, khả thi và sự thống nhất của Luật này đối với hệ thống pháp luật có liên quan.
Lưu ý việc phải đánh giá kỹ tác động của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải xác định đây là Luật hình thức hay Luật nội dung. Nếu là luật quy định nội dung phải đảm bảo thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bởi lẽ nhiều nội dung của dự thảo luật này sẽ đụng chạm đến rất nhiều luật như: Luật doanh nghiệp, luật đấu thầu, luật xây dựng, luật đất đai, luật bảo vệ môi trường... Nếu đụng chạm quá nhiều, gây xáo trộn, gây ách tắc thực thi pháp luật cần xem xét lại.