Những người trẻ “cứu” san hô

Tin tức - Ngày đăng : 17:48, 13/09/2019

(TN&MT) - Mỗi ngày, không chỉ ngụp lặn dưới đáy biển để nhặt nhạnh từng nhánh san hô gãy đổ mang về neo vào các bàn dưỡng, các thành viên của nhóm Cứu hộ sinh vật biển Sasa còn khuân hàng tạ đá từ bờ ra để chèn, cố định bàn dưỡng nhằm chống trôi, tránh lật ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của san hô. 
1. Những nhánh san hô bị gãy, đỗ được nhóm Sasa thu nhặt từ đáy biển về và neo lại vào các giá thể để đặt lại xuống biển cho san hô tiếp tục phát triển
Những nhánh san hô bị gãy, đỗ được nhóm Sasa thu nhặt từ đáy biển về và neo lại vào các giá thể để đặt lại xuống biển cho san hô tiếp tục phát triển

Cứ như thế, hai năm qua, 8 bàn dưỡng và 2 giá thể (nặng tầm hai tấn) đã được nhóm Sasa hoàn thành và đặt xuống biển để bảo vệ và nuôi dưỡng san hô tại bãi Nam (bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng).

Những “chiến binh” thầm lặng

Vào khoảng 5 giờ sáng, các thành viên trong nhóm Trung tâm cứu hộ sinh vật biển, gọi tắt là Sasa (Sasa Team Marine Animals Rescue) đã chuẩn bị đầy đủ tư trang, dụng cụ để tiến về bãi Nam (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) “giải cứu” san hô.

Công việc tình nguyện này không hề đơn giản, 10 bạn trẻ trong nhóm cứu hộ đều là những người có thể lực cường tráng, giỏi bơi lặn và có nhiều hiểu biết về san hô cũng như các loài sinh vật biển. Mỗi người một việc, người mang đá khối, người mang lồng, giá thể sắt, xương san hô, đồ lặn, vật dụng cá nhân đi bộ từ sườn núi xuống bãi Nam (bán đảo Sơn Trà) để chuẩn bị tiến hành lặn và đặt các giá thể xuống đáy biển.

Nhóm cho biết công việc giải cứu san hô gồm 5 bước: 1- Dọn dẹp rạn san hô, loại bỏ các mối nguy hại gián tiếp và trực tiếp tới san hô như plastic và lưới; 2- Tìm kiếm và cứu hộ san hô bị tổn thương hay gãy; 3- Chuẩn bị các bàn dưỡng, cố định và dưỡng san hô từ 1-2 tháng; 4- Chăm sóc, loại bỏ các yếu tố gây hại hoặc các loài gây hại đến san hô như tảo, ốc và sao biển ăn san hô; 5- Cố định san hô sau khi dưỡng vào giá thể tự nhiên hoặc xây dựng giá thể nhân tạo.

2. Dán các nhánh san hô bị gãy vào giá thể bằng keo và bột làm từ xác san hô
Dán các nhánh san hô bị gãy vào giá thể bằng keo và bột làm từ xác san hô

Việc cứu hộ các rạn san hô do anh Lê Chiến (SN 1984, trưởng nhóm Sasa Team) nghiên cứu, tìm hiểu từ các dự án bảo vệ san hô ở khắp nơi. Anh cho biết, công việc của anh trước đây là đi dọc các bờ biển miền Trung để ghi nhận tình hình của những dãy san hô báo cáo lại với đơn vị. Tuy nhiên, chứng kiến những tác động của con người, của môi trường đang gây ảnh hưởng trầm trọng đến các dải san hô nên anh quyết định tự mình thực hiện cứu san hô. Anh liên hệ với các bạn trẻ cùng có tình yêu với biển, với san hô và những sinh vật biển để liên kết thành nhóm hoạt động cứu hộ các rạn san hô.

Khi được hỏi tại sao Nhóm lại chọn bãi Nam để thực hiện công việc này, anh Chiến cho biết, khu vực bãi Nam, Bán đảo Sơn Trà được đánh giá sở hữu 104,6 ha rạn san hô, đa dạng không kém Nha Trang hay Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), nhưng hiện nay các rạn san hô ở đây đang đối diện với nhiều nguy cơ bị hư hại do việc khai thác du lịch tự phát, nhỏ lẻ cũng như sự thiếu ý thức bảo vệ của một bộ phận ngư dân và du khách.

Để hoàn thành được được 8 bàn dưỡng và 2 giá thể đặt xuống biển nhằm nuôi dưỡng và chăm sóc san hô phát triển, các thành viên của nhóm Sasa Team đã hoạt động liên tục trong 2 năm qua, trung bình mỗi tuần 3 lần nhóm phải lặn ngụp nhiều giờ dưới biển để giải cứu san hô.

Anh Chiến cho biết, việc thiết kế giá thể phải phù hợp với khu vực đặt giá thể như độ sâu, ánh sáng, dòng nước… Nhóm Sasa đã nghiên cứu vùng biển ở bãi Nam và chọn giải pháp dùng gạch không nung làm đế cho giá thể, đặt nằm dưới nền cát và tạo được sức nặng nhất định. Tạo hình của giá thể là 1 con rùa biển trên lưng mang rất nhiều san hô. Mỗi giá thể như vậy nặng tầm hai tấn và có tuổi thọ từ 20 đến 50 năm dưới đáy biển.

3. Vận chuyển các giá thể đã được gắn san hô xuống đáy biển
Vận chuyển các giá thể đã được gắn san hô xuống đáy biển

Đào Quang Anh (1988) thành viên tham gia nhiều tháng nay chia sẻ: “Chúng tôi đều có chung một tình yêu với biển và sinh vật biển, nên tôi chỉ muốn góp sức mình vào việc cùng với nhóm bảo vệ các loài san hô”. Cùng suy nghĩ, anh Christoppher Reeves đến từ Nam Phi, là một giáo viên dạy tiếng Anh tại Đà Nẵng, có niềm đam mê bơi lặn và tìm hiểu được công việc của nhóm nên anh đã tham gia làm các công việc với mọi người. Khi hỏi vì sao anh lại lựa chọn việc này, Reeves chỉ cười “Tôi muốn được phục vụ đại dương”.

Họ là những người xa lạ, mỗi người có một công việc khác nhau, đến từ những vùng đất khác nhau nhưng họ có chung một tình yêu thiên nhiên, họ gặp nhau và trở thành những “người hùng” của đại dương.

Lan tỏa thông điệp bảo vệ san hô

Thường xuyên ngụp lặn dưới đáy biển để kiểm tra, cứu hộ và theo sát sự phát triển của các cá thể san hô, anh Chiến cùng nhiều thành viên khác của Sasa cho hay, san hô ở bãi Nam đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi mỏ neo của tàu du lịch và các du khách lặn ngắm san hô.

Hiện nay, Đà Nẵng có lượng du khách khá đông đến tham quan nghỉ dưỡng, đi kèm với đó là dịch vụ lặn ngắm san hô. Tuy nhiên, việc thả neo đậu của các tàu, ca nô chở khách đã làm gãy rất nhiều san hô. Cùng với đó là nhiều du khách trong quá trình lặn ngắm san hô do thiếu kỹ năng và  kiến thức chăm sóc, bảo vệ sinh vật biển, trong đó có san hô, đã vô tư dẫm chân lên chúng. Xăng dầu cũng là một trong những nguyên nhân làm cho san hô chết. Một mỏ neo có thể kéo hư khoảng 40 mét san hô, mỗi ngày một nhóm khách du lịch có thể dẫm nát 100 mét san hô. Những san hô gãy nếu không được cứu thì sẽ chết. Trong khi san hô phát triển khá chậm, mỗi dãy san hô như vậy có thể mất đến cả trăm năm kiến tạo.

4. Công việc giải cứu san hô của nhóm Sasa đã góp phần bảo vệ, nuôi dưỡng những cá thể san hô bị gãy đổ nhưng quan trọng hơn nhóm đã gửi đi thông điệp kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ san hô
Công việc giải cứu san hô của nhóm Sasa đã góp phần bảo vệ, nuôi dưỡng những cá thể san hô bị gãy đổ nhưng quan trọng hơn nhóm đã gửi đi thông điệp kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ san hô

Ngoài ra, những lưới cụ của ngư dân khi rơi xuống biển cũng sẽ tác động đến sự phát triển của san hô. Thời gian qua, nhóm đã liên tục thực hiện nhặt rác dưới biển, cắt lưới vướng vào san hô. Đã có gần 10 tấn lưới được các bạn trẻ cắt và mang lên bờ.

Ngoài việc thực hiện gắn các bàn dưỡng và giá thể xuống dưới biển, nhóm còn tổ chức thành công một lớp hướng dẫn bơi, lặn dưới biển cho 30 người trong một tuần. Tín hiệu vui, rằng 30 người sau khi hoàn thành khoá học đã cùng liên kết với nhóm để tình nguyện tuyên truyền đến với nhiều người dân Đà Nẵng hơn nữa trong việc chung tay bảo vệ biển.

Trung bình, cứ cách một ngày nhóm lại lặn xuống biển để làm việc. Thời gian sắp tới, việc xuống biển sẽ giảm bớt do thời tiết không thuận lợi, nhóm sẽ “tranh thủ” để thực hiện các buổi tuyên truyền, truyền thông đến với người dân Đà Nẵng về lợi ích của san hô và tác động của con người đã huỷ hoại san hô như thế nào. Ngoài ra, anh Chiến đang có ý định sẽ liên kết với Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cùng các công ty du lịch lữ hành, những ngư dân tham gia chở khách đi lặn ngắm san hô các kiến thức về sinh vật biển và việc phối hợp để khai thác du lịch theo chiều hướng bảo tồn.

“Đó là kế hoạch trong năm nay, còn lâu hơn nữa, tôi muốn mỗi tỉnh miền trung có biển đều sẽ có một nhóm cứu hộ san hô như thế này. Bởi chúng tôi biết rằng việc phát triển du lịch là cần thiết, và lúc ở dưới biển cũng không thể nói trước được điều gì, đồng nghĩa với việc con người tác động lên san hô là không thể tránh khỏi, nên chúng tôi nguyện là những người hàn gắn những việc đó, để san hô vẫn có thể phát triển” – anh Lê Chiến tâm sự.

Yến Nhi