Hướng dẫn doanh nghiệp dệt may giảm phát thải hóa chất độc hại

Môi trường - Ngày đăng : 11:53, 13/09/2019

(TN&MT) - Sáng 13/9, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn Quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam”.

Tại Việt Nam, ngành dệt may là một trong các ngành sử dụng lực lượng lao động lớn, tạo ra kim ngạch xuất khẩu rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, ngành dệt may đã gây ra ô nhiễm, tác động lớn đến môi trường. Nhiều vụ việc về môi trường liên quan đến các hoạt động dệt may đã được phát hiện và xử lý vi phạm trên phạm vi cả nước trong thời gian qua.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, để hạn chế tác động môi trường trong lĩnh vực dệt may, Bộ TN&MT và các địa phương đã xây dựng, thực hiện các chính sách về  phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm như: xác định các khu vực được phép đầu tư nhà máy dệt nhuộm, yêu cầu xử lý và quan trắc nước thải, xây dựng tiêu chuẩn xả thải mới, tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về môi trường...

ông Nguyễn Việt Dũng
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) phát biểu khai mạc hội thảo

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, bền vững, bên cạnh việc tăng cường thể chế, thực thi cần có cơ chế bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, đầu tư cho bảo vệ môi trường và phát triển. Trong đó, hướng đến ngành dệt may bền vững ở Việt Nam. Đó cũng là quan điểm của Chính phủ trong phát triển ngành thời trang nói riêng, ngành dệt may nói chung nhưng cần tuân thủ định hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tính đến năm 2017, tổng số doanh nghiệp dệt may cả nước đạt xấp xỉ 7000 doanh nghiệp; trong đó có các doanh nghiệp gia công hàng may mặc; sản xuất vải, nhuộm; doanh nghiệp sản xuất chế biến bông, sản xuất xơ, sợi. Cùng với đó, lượng hóa chất các loại sử dụng trong các doanh nghiệp dệt nhuộm khoảng từ 500 - 2000kg/tấn sản phẩm. Trong đó có cả hóa chất dạng vô cơ và hữu cơ (axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau).

bà Quỳnh Chi
Bà Phan Quỳnh Chi - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ về phát triển bền vững ngành dệt may ở nước ta

Chia sẻ về phát triển bền vững ngành dệt may tại Việt Nam, bà Phan Quỳnh Chi - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay đa số các doanh nghiệp trong ngành Dệt may có quy mô vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp thường chỉ chú trọng tới tới việc bán sản phẩm và có phản ứng thụ động với công tác quản lý hóa chất. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến công tác này sau khi có sự cố xảy ra hay vấn đề liên quan đến sử dụng hóa chất trong sản xuất ở doanh nghiệp.

Trước thực tế đó, hội thảo tập trung vào những vấn đề về phát triển bền vững ngành dệt may, những quy định mới về môi trường trong các Hiệp định thương mại thế hệ mới áp dụng cho ngành dệt may Việt Nam, các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với ngành dệt may theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, chia sẻ, bàn các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn và quản lý hóa chất độc hại trong ngành dệt may.

cam kết
Lễ trao bản cam kết áp dụng tài liệu "Hướng dẫn quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam"

Thông qua hội thảo tạo nên sự kết nối, giúp các doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc hơn về các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước và không thải hóa chất độc hại ra môi trường. Từ đó, các doanh nghiệp cũng nhận thấy được lợi ích của việc sử dụng hiệu quả nguyên liệu, hóa chất để tiết kiệm chi phí tài chính và bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết cắt 8% lượng khí thải đang gây ô nhiễm môi trường, áp dụng các giải pháp tiết giảm chất thải, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên... là giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp giảm áp lực về năng lượng và phát triển bền vững. Mặc dù vậy, các chương trình hành động cụ thể cần được đưa ra.

toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Trong đó, Chính phủ cần có những chính sách quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí công nghệ đầu tư đối với ngành dệt may. Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp cách xác định hóa chất nguy hiểm cũng như đánh giá đúng mức độ độc hại, nguy hiểm của hóa chất; kiểm soát chặt chẽ việc thống kê, quá trình vận chuyển và cất giữ hóa chất.

Ngoài ra, phổ biến các kỹ năng cơ bản cho doanh nghiệp giảm thiểu tác hại của hóa chất đến con người và môi trường. Cụ thể là hướng dẫn xây dựng, tổ chức, thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, sử dụng các nguyên liệu có thể tái sinh, tránh làm phát sinh phụ phẩm, phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng; quan trắc và phân tích theo thời gian.

Tuyết Chinh - Hoàng Ngân