Thừa Thiên Huế: Lo sợ mưa lũ tái diễn, dân thu hoạch sắn “bán tháo” cho nhà máy
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:16, 13/09/2019
Khẩn trương thu hoạch
Ghi nhận của PV những ngày qua, không khí tại nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế (đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền) rất nhộn nhịp và khẩn trương, bởi một lượng sắn lớn từ khắp nơi trên địa bàn đổ về. Hàng trăm phương tiện vận chuyển sắn như xe tải, xe kéo... nằm nối dài cả cây số chờ bán, gây nên hiện tượng quá tải. Cùng với đó, nhiều xe khác cũng nằm “vất vưởng” trước các hàng quán, nhà dân. Người dân bó gối ngồi chờ đợi. Điều này trước đây chưa từng có vì cuối tháng 9 đầu tháng 10 hàng năm mới là thời điểm thu hoạch sắn. Còn những vùng đất cao thì có thể chờ đến cuối năm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là do áp thấp nhiệt đới đầu tháng 9 vừa qua đã gây mưa lớn trên diện rộng, các địa phương chủ yếu ở huyện Phong Điền ngập nặng, dẫn đến hàng nghìn hecta sắn trồng của người dân huyện này ngập chìm trong nước. Chỉ vài ngày ngâm trong nước lũ, sắn xuống lá và thối củ khiến ai ai cũng lo lắng. Với người trồng sắn, chỉ cần một cơn lũ kéo dài thì số diện tích được trồng ở vùng thấp trũng có thể tiêu tan, kéo theo nợ nần.
Chị Lê Thị Hoa (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) cho hay, lũ ngập tràn trên những cánh đồng sắn làm cho củ ngâm nước bị thối, hư hỏng nặng. Dù năm nay ai ai cũng hi vọng “né” được lũ nhưng rồi cay đắng nhổ bán trước thời vụ.
“Những ngày qua, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nhà tôi huy động người thân và thuê thêm người để tiến hành nhổ sắn bán. Nhà trồng 7 hecta sắn, đã thu hoạch được 3ha với khoảng 18 tấn, chia làm hai xe tải chở đến nhà máy. Tuy nhiên, đã hơn 3 ngày mới nhập được 1 xe thôi. Nguy cơ nợ nần đang ập tới, còn tiền cho con ăn học nữa”, chị Hoa nói.
Bình thường giá sắn giao động từ 2.000- 2.500 đồng/kg. Tuy nhiên sau mưa lũ, giá sắn rớt chỉ còn 1.300-1.500 đồng/kg. “Xe chở sắn đợi 2-3 ngày vẫn chưa thể bán được vì lượng sắn chở đến quá nhiều, trong khi công ty chỉ nhập đến 3h -4h chiều là nghỉ. Nếu tiếp tục để sắn phơi mưa nắng kéo dài, bình quân 10 tấn sắn sẽ hao hụt khoảng 500kg, chất lượng bột giảm, kéo theo mất giá...”, ông Nguyễn Trực (thôn Đồng Lâm, xã Phong An) nói thêm.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Trịnh Đức Hùng- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin rằng, năm nay toàn huyện trồng được hơn 1.200 ha sắn tập trung ở các địa phương như Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong An..., chủ yếu là giống KM94; sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 30 nghìn tấn/năm; hiện đã thu hoạch được hơn 500ha và chủ yếu là diện tích sắn chạy lũ.
“Huyện đã làm việc với nhà máy tinh bột sắn Fococev trên địa bàn và thống nhất thu nhập hết số lượng sắn thu hoạch cho bà con. Cùng đó, cán bộ địa phương cũng đã xuống đồng vận động bà con thu hoạch sắn theo đúng tiến độ nhằm tránh tình trạng ứ đọng, bị tư thương ép giá...”, ông Hùng trình bày.
Không chỉ ở huyện Phong Điền mà gần đó, người dân trồng sắn ở thị xã Hương Trà cũng “tranh thủ” thu hoạch sắn bán cho nhà máy Fococev. Năm nay bà con nông dân thị xã Hương Trà trồng hơn 720 hecta sắn, tập trung ở các phường Hương Văn, Hương Xuân, xã miền núi Hương Bình.
Tính đến ngày 12/9, toàn thị xã Hương Trà đã thu hoạch được gần 100 ha. Phòng kinh tế thị xã Hương Trà cho hay đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích cực vận động bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đối với những diện tích vùng thấp trũng và những diện tích cây sắn đã “đủ” tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra...
Giải quyết hợp lý
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 6.048 hecta sắn đang trong thời gian sinh trưởng và thu hoạch, chủ yếu ở Phong Điền, Hương Trà, A Lưới. Cây sắn lâu nay vẫn đang mang lại thu nhập khá cho nông dân. Vì vậy mưa lũ khiến cho bà con lâm vào cảnh khó khăn...
Ông Nguyễn Hải Đăng - Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế cho biết, nhiều hộ dân trên địa bàn Phong Điền và các địa phương khác đã ồ ạt nhổ sắn, thu hoạch đại trà để bán cho nhà máy vì tránh tình trạng ngập úng do ảnh hưởng mưa lớn những ngày vừa qua, cùng với tâm lý lo sợ thua lỗ. Điều này khiến ùn ứ sắn tại nhà máy.
Theo ông Đăng, để giải quyết tình trạng này, nhà máy đã chủ động tăng cường thu mua, tăng công suất sản xuất. Bình thường mỗi ngày nhà máy chỉ nhập tầm 500 tấn sắn nhưng giờ phải nâng công suất lên 800 tấn/ngày. Hiện nhà máy có kho nguyên liệu diện tích 4.000 m2 và đang trong tình trạng quá tải. Vì vậy, nhà máy sản xuất đến đâu sẽ tiến hành thu mua đến đó; đồng thời ưu tiên mua sắn của bà con vùng ngập úng. Dự kiến nếu không bị ảnh hưởng của thời tiết xấu thì trong vài ngày tới sẽ giải quyết hết số sắn của người dân chở đến...
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã đi kiểm tra, đề nghị lãnh đạo Nhà máy tinh bột sắn Fococev phối hợp với chính quyền địa phương có vùng thu mua nguyên liệu tiến hành thông báo, khuyến cáo người dân bình tĩnh, không khai thác sắn khi chưa đến tuổi, tránh khai thác sắn còn non vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sắn; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết nhằm chủ động phương án thu hoạch và có phương án, lịch trình thu hoạch cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế bám sát thực địa, giải quyết thấu đáo cũng như bảo đảm những quyền lợi chính đáng cho bà con nông dân...