Nhiều tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:47, 12/09/2019
Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan của Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, Vụ Dầu khí và Than, Cục Quản lý Thị trường, Cục điện và năng lượng tái tạo,…), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Gas Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam, Hội đồng khoa học Năng lượng… cùng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí.
Tiến sỹ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) cho rằng, Hội thảo là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ, ngành, các nhà nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, những rào cản thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, từ đó từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế, chính sách hướng tới phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả - bền vững trong tương lai nhằm phát huy hết tiềm năng phát triển thị trường khí của Việt Nam.
Trong những năm qua, ngành công nghiệp khí là một trong những nhóm ngành tiềm năng giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ảnh hưởng sâu rộng đối với kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân, cũng như vấn đề an toàn, an ninh năng lượng. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển bên cạnh những thành tựu nổi bật của ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần tháo gỡ. Cụ thể, Thị trường khí tại Việt Nam trong thời gian qua đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm. Tuy nhiên, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới.
Tại Hội thảo các chuyên gia cho rằng, thị trường khí Việt Nam chủ yếu vẫn đang phát triển giữa mô hình cạnh tranh khai thác khí và mô hình cạnh tranh bán buôn. Một phần nhỏ khí qua chế biến đã phát triển thị trường cạnh tranh bán lẻ. Theo đó, cơ chế quản lý đối với giá khí trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Cụ thể, với các sản phẩm LPG, CNG, LNG vẫn tiếp tục là mặt hàng đưa vào danh mục bình ổn giá; các doanh nghiệp thực hiện đăng ký (trong thời kỳ áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc kê khai giá (thường xuyên) theo quy định; Đối với khí thiên nhiên, do các nguồn khí hiện nay đang có xu hướng suy giảm, cần xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác các nguồn khí bổ sung hoặc thay thế các nguồn hiện tại; đánh giá hiệu quả phương án nhập khẩu khí với những nguồn khí giá rẻ đảm bảo an ninh năng lượng.
Về cơ chế giá khí, cần xem xét đưa sản phẩm khí tự nhiên vào danh mục bình ổn giá như các hình thức quản lý đối với sản phẩm thuộc danh mục bình ổn giá: Đăng ký giá, kê khai giá luôn đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền chủ động quyết định giá của doanh nghiệp, việc đăng ký, kê khai với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích nắm bắt thông tin, kịp thời có biện pháp quản lý khi có biến động bất thường, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, mặt hàng khí được quy định là một trong nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện, theo đó 2 sản phẩm chủ yếu là khí thiên nhiên (khí thiên nhiên hóa lỏng – LNG; khí thiên nhiên nén – CNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản pháp lý ở cấp Nghị định.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, tại Luật Dầu khí và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định các hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có những nội dung chưa phù hợp với thực tế, như chỉ điều chỉnh khâu thượng nguồn như tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, chưa có nội dung điều chỉnh các khâu trung nguồn và hạ nguồn. Các hoạt động trung hạ nguồn được điều chỉnh chủ yếu qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Chính vì vậy, để phát triển thị trường khí tại Việt Nam cần tập trung xây dựng theo hướng thiết lập đầy đủ các loại hình thương nhân theo chuỗi hoạt động kinh doanh khí; quy định điều kiện gắn sát bản chất của từng khâu kinh doanh khí, đáp ứng yêu cầu an toàn, quyền lợi của người sử dụng khí. Đồng thời các cơ quan Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy thiết lập hệ thống phân phối khí gắn kết, bảo đảm thị trường khí phát triển ổn định, hiệu quả...